Năm 2021: Khi sách cũng lao đao vì COVID-19

TTO - Năm 2021 chứng kiến sự sụt giảm đáng kể của ngành sách do đại dịch COVID-19 kéo dài. Tuy nhiên, đội ngũ các nhà văn lại bộc lộ tinh thần thiện nguyện đáng trân trọng và vẫn có điểm sáng đến từ các tác phẩm ấm nóng thời sự.

Năm 2021: Khi sách cũng lao đao vì COVID-19 - Ảnh 1.

Phía tây thành phố - sách của bác sĩ Lê Minh Khôi hình thành từ đại dịch COVID-19 năm nay - Ảnh: L.ĐIỀN

Vào lúc cao điểm của đợt bùng phát thứ 4 dịch COVID-19, có đến 80% số cửa hàng của hệ thống Fahasa trên cả nước phải đóng cửa.

Hoạt động phát hành online trong những ngày giãn cách được xem như giải pháp tình thế, nhưng trong thời điểm giới nghiêm căng thẳng, có đến hàng ngàn đơn hàng sách của Fahasa bị "treo" do không có đội ngũ shipper giao hàng mặc dù có bạn đọc đặt mua sách.

Nhà văn vào cuộc thiện nguyện

Trong khi đó, đại dịch bùng phát cũng "lùa" các nhà văn ra khỏi tháp ngà của mình. Năm 2021 chứng kiến sự vào cuộc ngoạn mục của nhiều nhà văn chung tay hỗ trợ cộng đồng trong tình hình giãn cách và cả chăm sóc sức khỏe cho các bệnh nhân, hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu chống dịch.

Tại An Giang, nhà văn Võ Diệu Thanh miệt mài đến với các bệnh nhân COVID-19 đến nỗi cô tự nhận rằng "giờ đây tui rành các triệu chứng F0 lắm rồi".

Tại TP.HCM, Hội Nhà văn TP.HCM, Ban Nhà văn nữ Việt Nam... sốt sắng chung tay vận động quyên góp để hỗ trợ các nhân viên y tế nơi tuyến đầu chống dịch bằng 2 đợt ủng hộ hiện kim cho Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức - một trong những nơi điều trị bệnh nhân COVID-19.

Năm 2021: Khi sách cũng lao đao vì COVID-19 - Ảnh 2.

Nhà văn Bích Ngân (phải) - chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM - thay mặt các nhà văn tặng hiện kim cho Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức - Ảnh: TS.BS Ngô Quốc Hưng

Ngoài ra, các nhà văn cũng tự mình làm các đợt thiện nguyện hiệu quả.

Như nhà văn Phương Huyền kêu gọi hỗ trợ thực phẩm chuyển đến tận các hộ gia đình trong đợt giãn cách nghiêm ngặt; nhà văn Trần Nhã Thụy cùng bạn bè đồng nghiệp thực hiện chương trình Trụ lại Sài Gòn - vận động thực phẩm nhu yếu và cả hiện kim - để hỗ trợ những gia đình người lao động từ các tỉnh thành còn kẹt lại Sài Gòn trong tình trạng không có việc làm và chưa thể về quê.

Một sáng kiến đáng kể của ngành sách là trong cao điểm dịch bệnh, một số nhà xuất bản như Nhà xuất bản Tổng Hợp TP.HCM, Nhà xuất bản Trẻ đã cùng với chính quyền các địa phương đưa sách về vùng dịch tặng các bạn đọc đang trong khu cách ly.

Không chỉ sách giấy, bạn đọc còn được tặng miễn phí sách nói; không chỉ ở nội thành TP.HCM, mà bạn đọc tại Bến Tre cũng được "chăm sóc bằng sách" với tinh thần sẻ chia trong khó khăn như vậy.

Đáng quý hơn cả là từ trong hoàn cảnh khó khăn của dịch bệnh, các tác phẩm có chất lượng của người trong cuộc ra đời, góp vào bức tranh xuất bản những đốm sáng đặc biệt.

Trong số này có thể kể đến quyển sách Viết từ thành phố Lockdown của bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh và nhà văn Trần Nhã Thụy, và Phía tây thành phố của bác sĩ Lê Minh Khôi. Cả hai đều là những cảm xúc từ thực tế "phi truyền thống" của những ngày cộng đồng người dân thành phố oằn mình chống dịch.

Bác sĩ thuộc đội ngũ tuyến đầu, tâm trí và sức lực dồn cho chuyên môn trị bệnh cứu người, ấy vậy mà vẫn hiếm hoi có người còn dành cho việc viết, viết ngay trong thời điểm thắt ngặt nhất.

Như bác sĩ Lê Minh Khôi viết tại trung tâm hồi sức COVID - bậc điều trị cao nhất trong tháp điều trị bệnh nhân COVID-19, và tập sách của ông vừa có giá trị như một "chứng nhân" trong đại dịch vừa chuyển tải cảm xúc sâu đậm bằng văn phong trong sáng như ngòi bút chuyên nghiệp.

Mảng sáng từ sách đẹp

Dù vậy, năm 2021 vẫn có được mảng màu tươi sáng trong thị trường sách, chính là sự phát triển của dòng ấn phẩm đẹp, các sách được thiết kế riêng, in giới hạn và cả kỹ thuật làm bìa thủ công sánh ngang với các sách có bìa "hand made" ở nước ngoài mà giới sưu tập trong nước lâu nay vẫn ngưỡng mộ.

Năm 2021: Khi sách cũng lao đao vì COVID-19 - Ảnh 3.

Bản sách đẹp Việt Nam sử lược do Đông A thực hiện trong series V20 - Ảnh: L.ĐIỀN

Sau Đông A - đơn vị tiên phong khai mở lĩnh vực làm sách đẹp và in các bản hạn chế với yêu cầu mỹ thuật cao, gia công chọn giấy từ ruột đến bìa đều cao cấp..., năm nay Nhã Nam cũng tham gia vào dòng sách này với những bước đi từ tốn và có bản sắc riêng.

Trong khi Đông A đang đầu tư cho tủ sách "100 năm Nobel" - tủ sách Văn chương & Mỹ thuật với nhiều kiểu dáng độc đáo và mới, được bạn đọc tán thưởng; Nhã Nam trình làng các ấn bản đẹp của Việt Nam sử lược và Việt Nam phong tục lại cho thấy một phong cách khác, Á Đông hơn và có nét riêng.

Ngay cả hai đầu sách ngoại văn mới đây được Nhã Nam thực hiện ấn bản đẹp là Cây cam ngọt của tôi (tác giả: José Mauro de Vasconcelos) và Chuyện rừng xanh (The Jungle Book) của Rudyard Kipling cũng có nét mềm mại gần gũi với phong cách Việt.

Năm 2021: Khi sách cũng lao đao vì COVID-19 - Ảnh 4.

Chuyện rừng xanh ấn bản đẹp bìa da PU do Nhã Nam tung ra thị trường dịp cuối năm 2021 - Ảnh: NN

Đến thời điểm này, theo tin từ Fahasa, doanh thu từ tháng 10 đến nay đã phục hồi lại được 80% so với cùng kỳ năm trước. Hy vọng dịch bệnh giảm dần và ngành sách sẽ trở lại bình ổn hơn.

Năm 2021, mặc dù có khó khăn do dịch bệnh, Bộ Thông tin và truyền thông và Hội Xuất bản Việt Nam vẫn thực hiện được Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 4, thu hút 47 đơn vị xuất bản trên cả nước tham gia.

Trong đó, ngoài 2 giải A trao cho 2 quyển Súng, vi trùng và thép - Định mệnh của các xã hội loài người (tác giả: Jared Diamond, người dịch: Trần Tiễn Cao Đăng, Nhà xuất bản Thế Giới, đơn vị liên kết: Công ty CP Sách Omega Việt Nam), và Chang hoang dã - Gấu (lời: Trang Nguyễn, tranh: Jeet Zdung, Nhà xuất bản Kim Đồng), tập thơ của Trần Vàng Sao Bài thơ của một người yêu nước mình (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, đơn vị liên kết: Công ty cổ phần Văn hóa và truyền thông Nhã Nam) được trao giải B là tín hiệu đáng mừng về chất lượng giải này.

Bên cạnh đó là cuộc bình chọn khá nghiêm túc "TOP 10 quyển sách đáng đọc trong năm 2021" nhân dịp Tuần lễ Doanh nhân và sách được tổ chức tại TP.HCM, năm nay nổi lên 2 ấn phẩm do doanh nhân Việt viết được vào top: Mở cửa tương lai (của Nguyễn Phi Vân) và Trải nghiệm khách hàng xuất sắc (Nguyễn Dương).

Các đơn vị xuất bản cũng nỗ lực nhiều cho mảng sách dịch. Năm nay có rất nhiều đầu sách dịch đáng đọc được các nhà thực hiện công phu.

Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam có quyển Yêu sách của Antigone - thân tộc giữa sự sống và cái chết (Judith Butler, Nguyễn Thị Minh dịch) vốn được xem là cuốn sách quan trọng nhất của giới học thuật trong 50 năm qua.

Nhà xuất bản Trẻ có một loạt sách dịch đáng đọc: văn học có quyển Xa ngoài kia nơi loài tôm hát (Delia Owens, Trương Hoàng Uyên Phương dịch) đã bán ra 6 triệu bản trên toàn thế giới; mảng khoa học có quyển Câu chuyện cơ thể con người: tiến hóa, sức khỏe và bệnh tật (Daniel E. Lieberman, Đinh Ngọc Hưng dịch); mảng chính trị có quyển Các siêu cường AI: Trung Quốc, Thung lũng Silicon, và trật tự thế giới mới (Kai - Fu Lee, Bùi Thị Thu Trang dịch), và bộ National Geographic Kids dành cho thiếu nhi; sách Omega có bộ Lịch sử vùng đất gồm hai cuốn Red Nile - Tiểu sử của dòng sông vĩ đại nhất thế giới (Robert Twigger) và Phi Châu thịnh vượng: Lịch sử 5000 năm của sự giàu có, tham vọng và nỗ lực (Martin Meredith) là hai quyển sách quan trọng và thú vị thuộc dòng sách lịch sử và địa chính trị.

Cùng mảng này, Nhã Nam có quyển thứ 2 của tác giả Tim Marshall sau Những tù nhân của địa lý là Chia rẽ, tác giả bàn đến các vấn đề xung đột không chỉ địa chính trị mà còn văn hóa, tôn giáo và sắc tộc tại nhiều điểm nóng đang được theo dõi trong dòng thời sự của công chúng toàn cầu.

Nhà xuất bản Tổng Hợp TP.HCM năm nay có 2 quyển (chính và phụ) Khảo cổ học đồng bằng sông Mekong của Louis Malleret, thuộc tập 2 bộ sách gồm 4 tập đồ sộ sẽ là tham chiếu quan trọng cho hồ sơ di sản văn hóa Óc Eo.

Hiện nay, thị trường sách đang khởi sắc trở lại, theo ghi nhận thì hệ thống Fahasa, top 3 sách kinh tế bán chạy nhất tính từ đầu tháng 11 đến nay là: Dạy con làm giàu - tập 1 (bán ra 830 quyển), Nhà đầu tư thông minh (360 cuốn), Nghĩ giàu & làm giàu (329 cuốn); và top 3 sách văn học bán chạy nhất là: Nhà giả kim (1.921 cuốn), Tô bình yên vẽ hạnh phúc (1.826 cuốn), Cây cam ngọt của tôi (695 cuốn).

'Phía tây thành phố': Nghe bác sĩ Lê Minh Khôi kể chuyện từ tuyến đầu chống dịch

TTO - Tập tản văn 'Phía tây thành phố' của bác sĩ Lê Minh Khôi vừa ra mắt. Phía NXB Trẻ cho biết toàn bộ lợi nhuận của tập sách đều được ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 tại TP.HCM.