Tập sách "Viết từ thành phố lockdown" (tạp văn – ghi chép) của Trần Nhã Thụy và Nguyễn Ngọc Anh
Nhan đề tập sách "Viết từ thành phố lockdown" (tạp văn – ghi chép) của Trần Nhã Thụy và Nguyễn Ngọc Anh (Nxb Hội Nhà văn, 2021) khiến tôi hình dung đến chốt chặn, rào chắn, tấm biển đỏ rực... rồi liên tưởng những từ tiếng Việt chung trường nghĩa như cách ly, khoanh vùng, giới nghiêm, phong tỏa, đóng cửa then cài...
Rồi nhớ lại những cuộc điện thoại của bạn bè làm ăn, sinh sống tại TP HCM. Tất cả đều bật lên niềm đau đáu trước thảm cảnh trong cơn cuồng nộ đại dịch Covid-19.
Tôi lại mường tượng đến những người từ tuổi măng tơ chập chững bước thấp, bước cao tìm đến đây lập nghiệp đơn giản là vì TP HCM trẻ trung, cuộc sống dễ thở và thoải mái hơn. Vậy mà, đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4) khởi đầu từ Yên Bái và lan nhanh qua các tỉnh, thành như Hà Nội, Đà Nẵng, Bắc Giang... rồi đến TP HCM. Đầu tháng 7 là thời khắc dịch bùng phát kinh hoàng.
Giãn cách và tăng cường giãn cách. Một ngày trôi qua. Lại một ngày nữa. Những người dư dật không rơi vào tình cảnh bần hàn cũng liên đới ít nhiều. Những mảnh đời mất kế sinh nhai, cạn kiệt tiền bạc, gồng mình chắt chiu sự sống miễn là tồn tại. Rồi cảm thấy bất lực, tuyệt vọng. Vùng đất này gắn bó bao nhiêu năm mà hôm nay dùng dằng, ngày mai đi đâu về đâu.
Trở lại tập sách mà hai tác giả đã đi qua "những điều trông thấy". Một Trần Nhã Thụy, nhà văn khởi xướng và thực hiện chương trình thiện nguyện "Trụ lại Sài Gòn", mở đầu với phần "Phố tàn hơi" ghi chép về đời sống thị dân.
Một Nguyễn Ngọc Anh, thầy thuốc tham gia công việc tiêm chủng suốt mấy tháng, tiếp nối với phần "Làn sóng Covid và cuộc rượt đuổi ở Sài Gòn" đề cập đến câu chuyện khoa học về cuộc chiến Covid-19. Ở đó, còn đan xen những ngẫm nghĩ về thế sự, cuộc đời và con người. Sau cùng là phóng sự ảnh trao hơi ấm của tình thương cho những mảnh đời bất hạnh trong những ngày thành phố phong tỏa.
"Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi! Sài Gòn ơi!" sầm uất và sôi động ngày nào mà nay trên trang văn Trần Nhã Thụy lại không giấu được cái rời rã. "Phía trước phía sau không một bóng người (...) Bóng của những người trong phường bát âm khuất dần cuối đường" (Bóng người xanh). "Phố nằm đó không một bóng người, không một dấu chân qua, không tiếng rao hàng quán (...) những góc phố rệu rã, bạc màu (....) Phố tàn hơi. Con người thì tàn tạ" (Phố tàn hơi)...
Còn nhật ký "trụ lại Sài Gòn" phơi bày những cảnh đời ứa nước mắt. Hai vợ chồng trẻ thất nghiệp, sống trong khắc khoải và kêu trời khi con trẻ 1 tuổi "Phải ăn cơm với rau muống luộc nên bị bón bữa giờ". Nghe lòng đơn côi của đứa con mất cha, mất mẹ. Đứa con thì hồi sinh từ cõi chết còn bậc sinh thành đi vào thiên thu.
Còn bao thống khổ mà trời đất nào có hay biết nhưng lại gặp được tấm lòng trân trọng và cảm thông. Nhóm thiện nguyện giúp được vài thứ "lẹp nhẹp" mớ rau con cá. Chỉ nhỏ nhoi vậy thôi chứ có to tát gì lắm đâu nhưng là món quà đáng quý. Nhờ vậy, sự cùng cực vơi đi phần nào, lòng người được sưởi ấm, xóa mờ phần nào vết thương.
Nếp sống chân chất nhưng đậm tình nghĩa đồng bào, nghĩa tình đồng loại, thương mến và chở che cho kiếp phận bất hạnh. Như minh chứng cho nguồn mạch văn hóa lịch sử lâu đời: "Lá lành đùm lá rách". Xưa đã vậy và nay cũng không phải là của hiếm. Như lời tác giả: "Đó cũng là một vẻ đẹp ngoài trang văn mà không trang văn nào lột tả hết" (Trụ lại Sài Gòn).
Nhưng cũng có trường hợp, dù nhóm thiện nguyện đã gắng hết sức nhưng lực bất tòng tâm. Biết sao được.
Nếu như Trần Nhã Thụy thiên về hiện thực xã hội thì tiếp theo, Nguyễn Ngọc Anh nhìn dưới góc độ chuyên môn (một tiến sĩ y học) nhưng không phải là bài viết hàn lâm dành cho giới nghiên cứu, bởi ở đó là từng câu chuyện hơn là chuyên khảo đi đến "ngọn nguồn lạch sông". Nó chỉ nhận xét tình hình dịch bệnh và ảnh hưởng đời sống xã hội như thế nào.
Một số ý kiến nêu lên mang tính gợi mở, không phải là "định đề" bất di bất dịch. Chẳng hạn, nên chủng ngừa sau khi bị nhiễm vào thời điểm nào, ngay khi vừa khỏi bệnh, sau 3 tháng hay 6 tháng? Hay phức tạp hơn, như nguồn gốc đại dịch thì không dễ minh định. Virus thực sự gây ra dịch bệnh đến từ đâu? ...
F1 (tiếp xúc gần) chen chúc nhau trong trại tập trung. F0 (nhiễm bệnh) nhập vào các khu điều trị quá tải và có ngày lên 300 – 400 ca tử vong. Không chỉ ở người có tuổi, mắc nhiều thứ bệnh mà còn cả người trẻ tuổi, khỏe mạnh. Vì thế có rất nhiều phản ứng "hình thức" không chỉ ở giới chuyên môn mà cả dân chúng. Và tác giả không ngần ngại đưa ra ý kiến. Lẽ ra... Lẽ ra,...
Giữa vòng vây đại dịch không chỉ đổ xuống bóng tối, giọt nước mắt mà còn tỏa ra ánh sáng, nụ cười, như đóa hoa thắm tươi. Bao giờ cuộc chiến sinh tử nguôi ngoai? Chẳng ai dám đoan chắc nhưng đều khắc khoải mong chờ. Rồi đây câu chuyện gần như thuộc về những ngày đã xa. Và không riêng gì ai có ước vọng đó.
"Viết từ thành phố lockdown" không phải bức tranh chi tiết và toàn cảnh mà chỉ là một trong những lát cắt phác họa đời sống xã hội của những ngày giông bão đau thương. Tập sách khép lại nhưng "bản tường trình" tựa như chưa kết thúc. Là bởi tang thương còn hằn sâu trong bao nhiêu người. Là bởi có người thoát khỏi lưỡi hái tử thần, đi qua cơn thập tử nhất sinh. Có lẽ lúc nào đó điềm tĩnh trở lại, họ sẽ cầm bút tâm tình câu chuyện nho nhỏ của mình.