Các tập đoàn, tổng công ty trong dịch Covid-19: Nỗ lực các giải pháp hạn chế thiệt hại

Trong quý I-2020, hàng loạt tập đoàn, tổng công ty nhà nước giảm hàng chục nghìn tỷ đồng doanh thu do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chung của Chính phủ, các đơn vị đã nỗ lực thực hiện các giải pháp để giảm thiệt hại, thua lỗ...

Nộp ngân sách khó bảo đảm kế hoạch

Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, quý I-2020, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) chỉ đạt doanh thu 19.212 tỷ đồng, giảm 6.712 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019, lỗ 2.383 tỷ đồng. Ông Lê Hồng Hà, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, nếu dịch Covid-19 kéo dài đến hết quý IV năm nay, đơn vị dự tính sẽ lỗ 19.651 tỷ đồng.

Do giá dầu sụt giảm từ khi dịch Covid-19 lan rộng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng giảm 13.194 tỷ đồng doanh thu, giảm 4.580 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ năm 2019. Theo các kịch bản được PVN xây dựng, nếu giá dầu thô giảm từ 55 USD xuống còn 30 USD/thùng, doanh thu bán dầu thô của PVN cả năm 2020 giảm tương ứng đến 55.100 tỷ đồng và khiến tổng doanh thu của cả tập đoàn giảm đến 141.000 tỷ đồng, kéo theo nộp ngân sách giảm đến 27.100 tỷ đồng so với kế hoạch.

Nếu dịch Covid-19 kéo dài đến hết quý IV-2020, Vietnam Airlines dự tính sẽ lỗ 19.651 tỷ đồng. Ảnh: Anh Minh

Đối với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), doanh thu quý I-2020 đạt 28.449 tỷ đồng, giảm 1.706 tỷ đồng, lỗ 572 tỷ đồng. Dự kiến cả năm 2020, doanh thu của Petrolimex sẽ giảm 12.517 tỷ đồng; ước lỗ 1.143 tỷ đồng so với kế hoạch năm...

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước cho biết, nếu dịch Covid-19 kéo dài đến hết năm 2020, doanh thu của 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ giảm khoảng 279.767 tỷ đồng so với kế hoạch. 8 trong 19 tập đoàn, tổng công ty bị thua lỗ, tổng số lỗ khoảng 26.324 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước giảm khoảng 32.836 tỷ đồng. 

Tận dụng lợi thế để kinh doanh

Trước những khó khăn đó, các tập đoàn, tổng công ty đã chủ động triển khai các biện pháp ứng phó. Trong đó, Vietnam Airlines đã đẩy mạnh khai thác vận chuyển hàng hóa, trên cơ sở nguồn lực sẵn có. Chỉ riêng từ ngày 12 đến 31-3, Vietnam Airlines đã triển khai 45 chuyến bay chuyên chở hàng từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Thái Lan... Theo ông Lê Hồng Hà, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, trong tháng 4-2020, Vietnam Airlines tiếp tục tăng cường vận chuyển hàng hóa với doanh thu dự kiến đạt 250-300 tỷ đồng. 

Tương tự, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã sớm chuyển đổi phương án sản xuất kinh doanh sau khi phải cắt giảm hàng loạt chuyến tàu khách bằng cách tăng các chuyến tàu hàng. Ông Đỗ Văn Hoan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết: Công ty đã đưa vào khai thác đôi tàu container nhanh H9/H10 hành trình 40 giờ giống tàu khách tuyến Bắc - Nam duy trì chạy hằng ngày. Nhờ đó, trong quý I-2020 doanh thu vận tải hàng của công ty tăng trưởng khoảng 10-11% so với 2019. 

Tính chung toàn Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, doanh thu vận tải hàng hóa quý I-2020 tăng 5% so với cùng kỳ 2019. Để tiếp tục thu hút khách hàng, từ đầu tháng 4-2020, ngành Đường sắt đẩy mạnh hình thức đặt hàng trực tuyến, chuyển phát nhanh, giao nhận hàng tại nhà... Ông Phan Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, không chỉ vận chuyển hàng hóa trong nước, các chuyến tàu container lạnh liên vận quốc tế chạy thẳng từ Ga Đồng Đăng sang Ga Bằng Tường (Trung Quốc) đã có được lượng hàng ổn định, chạy đều đặn hằng tuần. Đây là sản phẩm logistics trọn gói, mở ra hướng xuất khẩu chính ngạch nông sản bằng đường sắt sang Trung Quốc và từ đó đi Trung Á, châu Âu... Để phát triển vận tải hàng hóa lâu dài, ngành Đường sắt đã đóng mới khoảng 300 toa xe chở container.

Hầu hết các tập đoàn, tổng công ty đều có phương án ứng phó thích hợp với tình hình dịch Covid-19, như Tập đoàn Dệt may chuyển sang sản xuất khẩu trang kháng khuẩn; Tập đoàn Điện lực đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư nguồn điện... Song, theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hưởng, các tập đoàn, tổng công ty lớn đóng vai trò rất quan trọng cho nền kinh tế, bởi vậy, rất cần có thêm giải pháp hỗ trợ. Trong đó, quan trọng nhất là hỗ trợ về nguồn vốn, giãn nợ các khoản vay cũ, miễn giảm thuế… để các đơn vị này có thể vượt qua khó khăn. Đặc biệt, với các hợp đồng tín dụng, cần được kéo dài thời hạn vay. 

Về phía Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, ông Nguyễn Hoàng Anh cho biết, vừa qua Ủy ban đã đề nghị Bộ Công Thương xem xét, tạo điều kiện thuận lợi về nguyên, nhiên liệu đầu vào cho việc sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn (Tập đoàn Dệt may Việt Nam), dung dịch sát khuẩn (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam), các trang thiết bị y tế. Đồng thời, cho phép Tổng công ty Lương thực miền Bắc, miền Nam được tiếp tục xuất khẩu gạo với sản lượng phù hợp sau khi có kết quả khảo sát nhu cầu và nguồn cung trong nước.

Về các hỗ trợ tài chính, Ủy ban đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét khoanh nợ gốc, kéo dài thời hạn vay của các hợp đồng tín dụng, được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và không chuyển nhóm nợ; tiếp tục cho các doanh nghiệp vay vốn lưu động và duy trì hạn mức vay vốn lưu động để bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh…

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước sớm có hướng dẫn về trình tự, thủ tục khơi thông nguồn vốn, để các tập đoàn, tổng công ty sớm tiếp cận được gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng, thời hạn cho vay tối thiểu 3 năm, lãi suất 0% phục vụ nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thanh toán lương cho người lao động…

Bên cạnh sự chủ động của doanh nghiệp, các chính sách hỗ trợ về tiền tệ, tài khóa của Chính phủ được triển khai kịp thời sẽ là nguồn tiếp sức quan trọng giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Theo Hà Nội mới