Đây là sự kiện kinh tế quan trọng thu hút nhiều đại biểu đến từ Bộ Công Thương; phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam; các chuyên gia, doanh nghiệp thuộc nhóm ngành hàng dệt may, thủy sản, đồ gỗ....
Xoay quanh chủ đề: Nâng cao năng lực tiếp cận thị trường Liên minh Châu Âu (EU) thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) đã được ký kết, các chuyên gia kinh tế và các nhà quản lý phân tích nhiều kịch bản cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam khi gia nhập thị trường EU nhiều triển vọng và cũng lắm rủi ro nếu như không nắm bắt cơ hội, tìm hiểu rõ tính chất, yêu cầu của đối tác để nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng quy mô, tận dụng tối đa những lợi ích mà Hiệp định EVFTA thế hệ mới mang lại.
Ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm Hội nhập quốc tế TP.HCM cho biết nhiều thông tin liên quan đến xu hướng áp dụng biện pháp phi thuế quan trong thương mại quốc tế và các Hiệp định thương mại tự do: "Biện pháp phi thuế quan trong các FTA về cơ bản tuân thủ nguyên tắc trong WTO và còn ràng buộc các nước bằng việc đặt ra các tiêu chuẩn hay rào cản mới, đảm bảo tính minh bạch, hợp lý và tính giải trình. Trong trường hợp xuất khẩu tăng nhanh do hàng rào thuế quan hạ thấp rất có thể những nước nhập khẩu sẽ kích hoạt các biện pháp bảo hộ khác (trong đó có biện pháp chống bán phá giá; biện pháp đối kháng và biện pháp tự vệ)".
Do vậy, các FTA thế hệ mới nên đặt nặng tiêu chuẩn tuân thủ bắt buộc như: lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ, thể chế… Đây được xem như một loại hàng rào kiểu mới đối với các DN vừa và nhỏ Việt Nam. Các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hoa Kỳ và EU rất coi trọng sức khỏe và sự an toàn của người tiêu dùng, do đó tiêu chuẩn hàng hóa và các rào cản phi thuế rất khắt khe.
Bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ (Bộ Công Thương) cung cấp cho các DN nhiều thông tin hữu ích về thị trường EU: Là nhà xuất khẩu và nhập khẩu lớn nhất thế giới (tổng kim ngạch XNK năm 2018 là 3.035 tỷ Euro; 9 tháng đầu năm 2019 đạt 2.671 tỷ Euro (tăng trưởng 4,24% ). Hiện tại, EU đứng đầu thế giới về xuất khẩu dịch vụ (chiếm 40,8% và nhập khẩu gần 33% dịch vụ toàn cầu). Thói quen và xu hướng tiêu dùng của EU cũng tập trung vào sản phẩm có chất lượng tốt, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, mức độ an toàn (nhất là an toàn vệ sinh thực phẩm) đòi hỏi rất cao. Người tiêu dùng ưa chuộng các sản phẩm hữu cơ, có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường, coi trọng trách nhiệm xã hội, thân thiện môi trường. Các sản phẩm có thương hiệu sẽ chiếm ưu thế trên thị trường này.
Chủ động ứng phó với các rào cản thương mại khi hiệu lực EVFTA đã cận kề (năm 2020), các cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội, Hội ngành hàng và DN cần chủ động nâng cao năng lực tiếp cận thị trường các quốc gia EU, thông qua việc xác định vai trò, nhiệm vụ cụ thể của các bên liên quan trong thực thi Hiệp định EVFTA.
Đặc biệt, chú ý đến các quy định về thuế quan, phi thuế quan và các biện pháp phòng vệ thương mại. Ngoài ra, EU còn áp dụng thuế nhập khẩu hạn ngạch, các loại thuế phòng vệ thương mại, thuế giá trị gia tăng nội địa EU (VAT)…
Quang Trung / theo DNSG