Thành phần đại biểu tham dự Diễn đàn có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Văn Hải, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Kim Anh và hơn 800 đại biểu đại diện các bộ, ngành Trung ương, các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự; lãnh đạo Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, các định chế tài chính quốc tế (IMF, IFC, ADB...), và gần 30 diễn giả trong và ngoài nước, các chuyên gia tài chính, đại diện lãnh đạo các Trung tâm tài chính trên thế giới, các tổ chức tài chính, các doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh cho biết, mục tiêu quan trọng của diễn đàn năm nay là cung cấp các yếu tố đầu vào giúp thành phố Hồ Chí Minh sớm trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để TP. Hồ Chí Minh lắng nghe các ý tưởng mới, tiếp thu các góp ý, phản biện của các diễn giả nhằm hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế đã ấp ủ cách đây gần 20 năm.
"Điều đó cho thấy, mô hình tăng trưởng của các đô thị phần lớn dựa vào thị trường tài chính và việc hình thành nên một Trung tâm tài chính quốc tế là xu thế tất yếu của thời đại, là quá trình bắt buộc phải trãi qua khi trở thành thành phố toàn cầu", Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh khẳng định.
Tuy nhiên, theo ông Phong việc trở thành một Trung tâm tài chính là một quá trình phức tạp, khó khăn do thành phố có điểm xuất phát thấp. Trong số 400 nghìn doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn, có hơn 98% doanh nghiệp vừa và nhỏ; bình quân cứ 5 năm dân số thành phố tăng thêm 1 triệu người, trong khi mật độ đường giao thông, nhà ở không theo kịp. Không những thế, tỷ lệ ngân sách thành phố được giữ lại giảm từ mức 26% giai đoạn 2007 - 2010 xuống còn 18% giai đoạn 2017 - 2020.
Cùng với đó, theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, quá trình tái cơ cấu thị trường tài chính còn chậm, quy mô thị trường chứng khoán còn nhỏ so với các đô thị trong khu vực, tỷ trọng vốn hóa của thị trường chứng khoán trên GRDP của thành phố còn thấp, mới đạt 52%, trong khi tại Singapore là 243%, tại Kula Lumpur (Malaysia) là 143%, tại Bangkok (Thái Lan) là 120% và tại Manila (Philippines) là 92%…Tình trạng khan hiếm nguồn lực phát triển vốn đã khó khăn càng trở nên trầm trọng, khiến cho tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sút, cơ sở hạ tầng quá tải và xuống cấp, môi trường sống trở nên ô nhiễm và thiếu an toàn.
Mặc dù vậy, người đứng đầu Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh khẳng định, "những hạn chế đó không làm thành phố chùn bước mà càng thôi thúc thành phố mơ ước và khát vọng cao hơn, đó là khát vọng mãnh liệt để thành phố phát triển nhanh và bền vững hơn. Với ý chí kiên cường, tinh thần năng động sáng tạo, thành phố tự xác định trách nhiệm của mình phải nỗ lực nhiều hơn, đặc biệt là phải đổi mới sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ hơn để tích lũy tài lực, nâng tầm trình độ phát triển của nền kinh tế và rút ngắn thời gian hình thành Trung tâm tài chính quốc tế", ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo ông Phong, thành phố cũng hy vọng được Chính phủ xem xét đưa Đề án phát triển thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế trở thành Đề án trọng điểm quốc gia, đây là điều kiện tiên quyết giúp thành phố thực hiện thành công Đề án, đây còn là cơ sở quan trọng để thành phố chuyển từ mô hình phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu trong bối cảnh nguồn thu ngân sách thành phố còn phụ thuộc nhiều vào tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là nguồn lực đất đai.
Theo kế hoạch, ngoài phiên khai mạc, HEF 2019 có 04 phiên thảo luận song song với thời gian tổ chức Diễn đàn.
Sỹ Phong