Giá thực

Theo nhận định của giới chăn nuôi, giá heo hơi lại tăng trong những ngày qua là do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến lượng thịt heo nhập khẩu.

Trước đó, bệnh dịch tả heo châu Phi đã khiến tổng đàn heo trong cả nước giảm, việc tái đàn diễn ra chậm vì người nuôi lo ngại dịch bệnh bùng phát trở lại. Nhu cầu tiêu thụ thịt heo sẽ tiếp tục tăng khi học sinh đi học trở lại. Liệu có xảy ra đợt “sốt giá” thịt heo thời gian tới?  

Theo ông Lê Xuân Huy, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam (C.P. Việt Nam), sau Tết Canh Tý, công ty xuất bán bình quân 17.000 con heo/ngày. Những ngày qua xuất bán tăng gần 70% nhằm góp phần bình ổn thị trường, nhưng việc tăng số lượng bán trong thời điểm này chỉ là giải pháp tình thế và cũng không thể kéo dài, nếu chỉ có vài doanh nghiệp (DN) tham gia.

Từ giữa tháng 2-2020, nhiều DN chăn nuôi lớn đồng hành với Bộ NN-PTNT hạ giá heo hơi xuống mức 75.000 đồng/kg (giá thị trường trên 85.000 đồng/kg). Nhưng việc giảm giá heo hơi của một số DN lớn không có tác dụng điều tiết giá cả, lại tạo ra tình trạng đầu cơ, làm bất ổn thị trường.

Giá heo hơi của C.P. Việt Nam bán ra 73.000 - 75.000 đồng/kg, nhưng thương lái mua ra khỏi cổng trang trại đã bán lại với giá 85.000 đồng/kg. Vì vậy các ngành chức năng cần đưa ra những giải pháp nhằm ngăn ngừa hay ít ra hạn chế nạn đầu cơ mà chỉ thương lái hưởng lợi, làm bất ổn thị trường, người tiêu dùng phải mua với giá cao. 

Sản xuất nông nghiệp có những đặc thù khác với các ngành công nghiệp. Năng suất và sản lượng sản xuất ra bị giới hạn bởi đặc tính sinh học. Một con heo nái sinh khoảng 27 - 28 con heo thịt/năm, heo con nuôi lấy thịt cần 24 tuần tuổi mới đạt 100kg để xuất chuồng. Đặc tính sinh học về chu kỳ sinh sản, sinh trưởng và giới hạn tiềm năng di truyền về năng suất của vật nuôi không cho phép nông dân chủ động tăng giảm sản lượng trong thời gian ngắn. Nông sản tươi sống càng không cho phép người sản xuất đầu cơ bằng cách gom hàng, bán phá giá hay nâng giá bán trong thời gian dài, vì heo không thể như lúa để trong kho.

Như vậy, nông hộ và cả DN lớn chăn nuôi heo không phải là đối tượng làm giá bán heo trên thị trường, mà là khâu phân phối. Do phải qua nhiều tầng lớp trung gian, giá heo từ chuồng trại đến miếng thịt người tiêu dùng mua ở thị trường chênh lệch lên đến 25% - 45%.

Các ngành chức năng cần xác định tình hình dịch bệnh hiện nay để có những chỉ đạo kịp thời giúp người chăn nuôi sớm tái đàn. Ngoài nhập khẩu lượng thịt gia súc, gia cầm đủ bù vào số thiếu hụt của thị trường, cần khuyến khích người tiêu dùng chuyển qua các loại thực phẩm khác, thay vì chỉ sử dụng thịt heo (chiếm khoảng 70% các loại thịt hiện nay). Các cơ quan chức năng cùng với DN sản xuất, phân phối, thương buôn hình thành nên chuỗi cung - cầu phù hợp, giảm bớt tầng lớp trung gian, qua đó đưa giá sản phẩm về đúng giá thực. Mọi thành phần tham gia trong chuỗi đều được hưởng lợi.

Đăng Lãm/ SGGPO