Giải pháp đáp ứng nhu cầu điện năng ngày một tăng cao và góp phần giảm tải áp lực cho ngành điện trong tương lai

Sự kiện “Lễ Phát Động Chương Trình Phát Triển Điện Mặt Trời Áp Mái và Năng Lượng Tái Tạo Tại Các Khu Chế Xuất – Khu Công Nghiệp TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 -2024 do Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu Công Nghiệp TP. HCM (HBA), Ban Quản lý các Khu chế xuất và Khu công nghiệp TP. HCM (HEPZA) và Tổng công ty Điện lực TP. HCM (EVNHCMC) đồng tổ chức vào ngày 19/6/2020 đã thành công tốt đẹp

Lễ phát động với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Sở Công Thương TP. HCM, lãnh đạo các cơ quan trung ương và địa phương, Sở Ngành thành phố, đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp ngân hàng HD Bank, các đơn vị cung cấp dịch vụ tiện ích từ năng lượng sạch hàng đầu tại Việt Nam cùng với hơn 150 khách mời tại sự kiện.

Chương Trình Phát Triển Điện Mặt Trời Áp Mái Và Năng Lượng Tái Tạo Tại Các Khu Công Nghiệp TP.HCM giai đoạn 2020 - 2024 đặt mục tiêu phát triển được 1.000 MWp tổng công suất hệ thống điện mặt trời áp mái trong giai đoạn từ năm 2020 - 2024, với 1.000 doanh nghiệp thuộc các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao trên địa bàn TP.HCM hưởng ứng tham gia chương trình và lắp đặt hệ thống. Các doanh nghiệp khi tham gia sẽ được hỗ trợ tư vấn về kỹ thuật, kết nối những định chế tài chính, tổ chức tín dụng, ngân hàng mang đến giải pháp toàn diện về kỹ thuật cũng như tài chính, đồng thời nâng cao hình ảnh thương hiệu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường và phát triển xuất khẩu, cũng như sẽ được hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong việc hòa lưới và mua bán điện mặt trời. 

Được biết, nếu hoàn thành mục tiêu chiến lược như đã đưa ra, hoạt động này sẽ giúp giảm 10 - 15% lượng điện năng tiêu thụ, góp phần giảm 23 triệu tấn khí CO2, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng đô thị, giảm áp lực ô nhiễm môi trường. 

Theo ông Nguyễn Văn Bé – Chủ tịch Hiệp hội HBA: “Hoạt động này nằm trong định hướng phát triển mảng năng lượng tái tạo nói chung và năng lượng áp mái nói riêng, là chương trình trọng điểm của HBA trong giai đoạn 2020 - 2024”. “Với diện tích của 17 Khu chế xuất (KCX) là 4.141ha, trong đó có 2.700ha đất công nghiệp với diện tích 1.800ha đã xây dựng 1.500 nhà máy. Khu Công nghệ Cao có 900ha với khoảng 80 nhà máy. Như vậy trong tính toán sơ bộ có khoảng từ 500ha đến 1.000ha diện tích mái nhà để lắp đặt điện mặt trời áp mái. Với dư địa như vậy các khu công nghiệp trở thành mục tiêu tương đối thuận lợi mà Tổng Công ty Điện lực thành phố đang quan tâm hỗ trợ, đấu nối, hòa lưới điện với chỉ tiêu trước mắt là 100Mw năm 2020 và 1.000Mw cho 05 năm tiếp theo. Ngoài ra, thành phố chúng ta còn đầu tư KCX Linh Trung 3 ở Tây Ninh, Khu công nghiệp (KCN) Long Hậu ở Long An. Do vậy, Tổng Công ty Điện lực Miền Nam cũng hết sức quan tâm chương trình này lan tỏa ra các KCN ở tỉnh bạn như Tây Ninh, Long An, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai …. lấy các KCN thành phố là mô hình điển hình và Hiệp hội là đơn vị tuyên truyền, vận động. Chúng ta có lợi thế về khung pháp lý đã hình thành và đang vận hành thuận lợi. Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 55 định hướng về điện năng trong thực hiện “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” đất nước trong các năm trước mắt và chiến lược năng lượng lâu dài, trong đó hết sức khuyến khích điện mặt trời và điện gió. Chúng ta có nhiều văn bản pháp lý mà trực tiếp là quyết định 11, quyết định 13 của Thủ tướng chính phủ, Thông tư 16 và thông tư 05 của Bộ Công thương cùng các văn bản cụ thể của Tập đoàn Điện lực Việt Nam” - Ông Bé đã chia sẻ thêm.

Khu vực TP.HCM là một trong những trung tâm đô thị phát triển với mật độ dân số và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Nhu cầu tiêu thụ điện của các nhóm thương mại, công nghiệp, hộ gia đình… cao hơn so với các thành phố khác của Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh hệ thống điện đang chịu nhiều áp lực về bảo đảm cung ứng điện, nhu cầu về điện tiêu dùng và sản xuất ngày càng tăng. Dự kiến, Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 10 tỷ kWh vào năm 2022, trong khi đó các nguồn sản xuất điện truyền thống như nhiệt điện, khí điện, thủy điện, hạt nhân… có nhiều rủi ro và ảnh hưởng cao đến môi trường thì việc phát triển các dự án năng lượng mặt trời trong đó có điện mặt trời áp mái được xem là một trong những giải pháp góp phần giảm áp lực cho ngành điện. Đây là giải pháp tối ưu, nguồn cung cấp điện hiệu quả, giải pháp thiết thực cho việc đáp ứng nhu cầu điện năng ngày một tăng cao. Đặc biệt, các doanh nghiệp, nhà máy, nhà xưởng… nếu bắt nhịp xu hướng này sẽ nhận được rất nhiều lợi ích như không chỉ giúp người sử dụng tạo ra lợi nhuận từ mái nhà nhàn rỗi, mà còn giúp bảo vệ phần mái, giảm nhiệt độ phần mái góp phần giảm nhiệt không gian bên trong, chưa kể hạn chế phát thải CO2 và sở hữu những chứng chỉ liên quan về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường có lợi trong hoạt động thương mại. Bên cạnh đó, đối với các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao thì việc ứng dụng năng lượng xanh vào sản xuất cũng là động lực thúc đẩy phát triển và đổi mới trong xu thế hội nhập.

Với thông điệp và hiện thực hoá mục tiêu “Hợp tác phát triển năng lượng tái tạo vì một thành phố Xanh – Sạch – Đẹp” hành trình tiếp theo sau Lễ phát động sẽ là chuỗi 10 hội thảo được tổ chức tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao trên địa bàn thành phố. Mục đích gắn kết giữa HBA và các doanh nghiệp trong việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, hướng đến một đô thị thông minh, sáng tạo với nguồn năng lượng tái tạo theo đúng mục tiêu và chủ trương của Chính phủ và Bộ Công Thương đề ra và xu hướng toàn cầu.

Quang Trung và PV