Hà Nội không lo thiếu thịt lợn trong dịp Tết

Chiều 30-12, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu chủ trì Hội nghị đánh giá công tác an toàn thực phẩm năm 2019 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2020.

Xử phạt hơn 30 tỷ đồng vi phạm an toàn thực phẩm

Đánh giá kết quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2019, ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, thành phố đã thành lập 718 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành và chuyên ngành về an toàn thực phẩm. Qua thanh tra, kiểm tra 132.030 lượt cơ sở, các đoàn đã xử phạt 8.277 cơ sở với số tiền phạt hơn 30 tỷ đồng. Đặc biệt, Công an thành phố đã phát hiện 3.017 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, trong đó xử lý và thu nộp ngân sách hơn 11 tỷ đồng, khởi tố 3 vụ về sản xuất hàng giả, kém chất lượng. 

 Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Để tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm cấp cơ sở, từ ngày 10-7-2019, Hà Nội triển khai mở rộng lực lượng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại 30/30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn.

Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội thông tin, sau 6 tháng triển khai, thành phố đã tổ chức 630 đoàn thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm, qua đó tiến hành 901 cuộc thanh tra với tổng số 4.374 cơ sở được thanh tra, trong đó tiến hành xử phạt 1.087 cơ sở với số tiền phạt gần 2,2 tỷ đồng. Do quy trình thanh tra chặt chẽ, phức tạp, trong khi cán bộ thanh tra được tập huấn trong thời gian ngắn nên gặp khó khăn, đặc biệt là tuyến xã.

Ngoài ra, ông Trần Văn Chung cho biết thêm, công tác chỉ đạo, điều hành của một số cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là cấp xã, phường, thị trấn còn chưa thực sự tập trung. Còn các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm đa số có quy mô nhỏ, chưa quan tâm nhiều đến các tiêu chuẩn, quy chuẩn được quy định. Thêm vào đó, việc kiểm soát, ngăn chặn các sản phẩm không rõ nguồn gốc và bảo đảm an toàn thực phẩm tuy có chuyển biến nhưng chưa chặt chẽ, kết quả chưa cao. Hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm quy mô nhỏ vẫn còn tồn tại trong dân cư, gây ô nhiễm môi trường và không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đề cập việc kiểm soát an toàn thực phẩm trong trường học, ông Phạm Xuân Tài, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho rằng, quy trình từ sản xuất đến bàn ăn là một quy trình dài, gồm nhiều công đoạn, do nhiều cơ quan quản lý. Do đó, chỉ cần một khâu sơ suất cũng có thể dẫn tới ngộ độc thực phẩm trong trường học. Trong khi đó, các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, có thể giải thể và thành lập mới nhanh nên việc ràng buộc về mặt uy tín không nhiều, nguy cơ kinh doanh những thực phẩm không an toàn lớn.

Không lo thiếu thịt lợn dịp Tết

Với mục tiêu hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán năm 2020, ông Trần Văn Chung cho biết, hiện từ thành phố đến các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm và bắt đầu ra quân từ ngày 15-12-2019 đến 25-3-2020. “Chúng tôi sẽ công khai các cơ sở, cá nhân vi phạm, từ đó đưa ra những cảnh báo kịp thời cho người tiêu dùng”, ông Trần Văn Chung nhấn mạnh.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh, nguy cơ mất an toàn thực phẩm luôn tiềm ẩn, nhất là trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2020 tới đây. Chính vì vậy, lực lượng thanh tra an toàn thực phẩm, chính quyền các quận, huyện, xã, phường cần tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, trong đó tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh, giết mổ nhỏ lẻ.

 Các tập thể được nhận Bằng khen của UBND thành phố Hà Nội vì có thành tích xuất sắc trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong năm 2019.

Đề cập nguồn thịt lợn tươi trong thời điểm Tết đang đến gần, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố khẳng định, trên địa bàn thành phố có những nơi không bị ảnh hưởng bởi bệnh Dịch tả lợn châu Phi nên vẫn cho phép tái đàn cùng với việc kiểm soát chặt nguồn giống. Bên cạnh đó, thành phố cũng tiến hành điều tiết lại cung - cầu, điều chỉnh lại giá…, vì vậy, không lo thiếu thịt lợn trong dịp Tết này.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong năm 2020, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu yêu cầu các cơ quan chức năng, các quận, huyện, xã, phường thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 11-12-2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và chỉ đạo của thành phố.

Dù công tác quản lý an toàn thực phẩm còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng phải kiên quyết làm thật tốt, không thể để tồn tại tâm lý chủ quan, buông xuôi. Mặt khác, tăng cường công tác tuyên truyền, chỉ rõ những điểm tốt và những điểm còn hạn chế và tồn tại trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, tại các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn tiếp tục tổ chức chấm điểm thi đua công tác an toàn thực phẩm để đánh giá xem đơn vị nào làm tốt, đơn vị nào làm chưa tốt.

Tại hội nghị, Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm quận Tây Hồ và Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm huyện Gia Lâm được nhận danh hiệu lá cờ đầu; 28 tập thể và 20 cá nhân được tặng Bằng khen của UBND thành phố Hà Nội vì có thành tích xuất sắc trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong năm 2019.

Gia Phong/ HNMO