Khởi sắc nông thôn mới

Thực tế ghi nhận ở Đồng Tháp cho thấy, chương trình nông thôn mới (NTM) đã làm thay đổi diện mạo nông thôn tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện.

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, những năm qua từ thực tiễn xây dựng NTM, các địa phương thống nhất quan điểm “nông nghiệp là sinh mạng, nông thôn là tương lai và nông dân phải được đào tạo chuyên nghiệp để cùng chung tay phát triển”. Từ đó, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã có những chính sách, kế hoạch nhằm cung cấp kiến thức hội nhập cho nông dân với nhiều chuyên đề thiết thực, hướng người dân từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

Khởi sắc nông thôn mới ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đoàn công tác của Quốc hội thăm vùng trồng xoài tại xã NTM Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh.
Đồng Tháp chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng kinh tế tập thể, nhất là các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Cụ thể, muốn có HTX mạnh thì “tinh thần hợp tác” trong nông dân là then chốt; mà muốn bà con hợp tác trong làm ăn thì phải khơi gợi tinh thần hợp tác trong đời sống hàng ngày. Thế là Đồng Tháp thành lập mô hình “Hội quán nông dân” - một không gian cộng đồng linh hoạt để người dân thể hiện vai trò chủ thể trong tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng NTM. Hội quán không chỉ là nơi chia sẻ kiến thức khoa học kỹ thuật trong sản xuất, mà còn là nơi kết nối tri thức, thông tin giữa các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp với nông dân. Có thể nói, “Hội quán nông dân” và HTX đã góp phần thay đổi từ sản xuất nhỏ, manh mún, tự phát sang sản xuất quy mô lớn hơn nhằm giảm chi phí và nâng chất lượng sản phẩm.
Song song đó, Đồng Tháp tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu mục tiêu quan trọng xây dựng NTM nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Từ đó, mọi người chăm chỉ, tự lực, hợp tác, cùng góp công, góp của xây dựng làng quê khang trang. Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho hay: “Trong quá trình thực hiện đã xuất hiện nhiều mô hình hay, nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả. Điển hình như mô hình cộng đồng dân cư quản lý xây dựng NTM theo phương châm “3 tự, 1 nhờ”, có tổ giám sát các công trình hạ tầng, cộng đồng cùng bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan xanh sạch đẹp, cùng sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn GAP gắn với liên kết tiêu thụ, mang lại kết quả tốt; mô hình Nhà nước cấp vật tư, người dân góp ngày công lao động; mô hình xây dựng gia đình 5 không 3 sạch; mô hình nhà sạch, đường sạch, đồng ruộng sạch…”.

Giai đoạn năm 2016-2020, tổng vốn huy động trực tiếp cho chương trình xây dựng NTM ở Đồng Tháp hơn 97.317 tỷ đồng. Đến hết tháng 5-2020, toàn tỉnh có 78/117 xã đạt chuẩn NTM, cuối năm 2020 sẽ có thêm 20 xã về đích NTM. Đối với xã NTM nâng cao, UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN-PTNT phối hợp các huyện rà soát, đề xuất tỉnh phê duyệt 14 xã. Đồng thời, chọn 3 xã Mỹ Đông (huyện Tháp Mười), Định Yên (huyện Lấp Vò) và Bình Thạnh (huyện Cao Lãnh) thí điểm thực hiện xã NTM nâng cao, hướng đến xã NTM kiểu mẫu.

Nâng chất nông thôn mới

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhận định, đến thời điểm này chương trình NTM ở tỉnh cơ bản hoàn thành đúng kế hoạch, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập người dân; từng bước hoàn thiện hệ thống thủy lợi, điện, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân. Thời gian qua, tỉnh đã hình thành nhiều mô hình liên kết hợp tác hiệu quả như: mô hình giảm giá thành trong sản xuất, mô hình canh tác lúa lý tưởng, mô hình sản xuất hữu cơ... đem lại lợi ích thiết thực cho người dân. Đổi mới tư duy, phương thức thực hiện, phát huy tính chủ thể của người dân chính là yếu tố tiên quyết, tạo đột phá trong quá trình thực hiện NTM.

Ngoài những thành quả trên, vẫn còn một số địa phương chưa chủ động, còn trông chờ cấp trên. Việc giám sát, theo dõi thực hiện các dự án, giải pháp giảm nghèo chưa kịp thời; huy động nguồn lực xây dựng NTM và tái cơ cấu nông nghiệp một số nơi còn khó khăn. Một số HTX đã chuyển đổi nhưng năng lực lãnh đạo, quản lý còn hạn chế, chưa phát huy hết vai trò tập thể trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản…

UBND tỉnh Đồng Tháp đã yêu cầu các địa phương nhanh chóng khắc phục những hạn chế, sẵn sàng các giải pháp thực hiện NTM giai đoạn 2021-2025. Ông Nguyễn Thanh Hùng lưu ý: “Mục tiêu xây dựng NTM tới đây là phát triển nông nghiệp bền vững, phù hợp quy luật thiên nhiên, đặc biệt phát huy vai trò tự quản của cộng đồng dân cư trên tinh thần tự lực, chăm chỉ và hợp tác. Cơ sở hạ tầng được quy hoạch, phát triển đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động, thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn trước thiên tai; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân”... Phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 90% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó 30% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 10% xã NTM nâng cao đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Ở cấp huyện, phấn đấu thêm 4 huyện đạt chuẩn NTM, 1 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn cao gấp 1,6 lần so với năm 2020 (dự kiến thu nhập bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 89,1 triệu đồng/người/năm). Nguồn lực và khả năng huy động giai đoạn 2021-2015 dự kiến 2.605 tỷ đồng.

Tới đây, Đồng Tháp sẽ bổ sung các cơ chế, chính sách về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông thôn, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế nông thôn, sản xuất nông nghiệp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Khơi dậy phong trào thi đua xây dựng NTM từ gia đình đến xóm ấp, làng xã; phát triển các xã NTM nâng cao, kiểu mẫu; triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm…
Theo SGGPO