Chính phủ sẽ đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2020, nhất là đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn và trung hạn.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế-xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2020 xuất hiện nhiều dấu hiệu có ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, cũng như ổn định kinh tế vĩ mô; nhiều chỉ số giảm so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, kinh tế-xã hội vẫn còn nhiều điểm sáng rất đáng mừng trong thời gian qua.
Chính phủ họp ngày 3-3. Ảnh: VGP
Nhưng báo cáo cũng cho hay, nhiều chỉ tiêu đều giảm so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Vốn FDI thực hiện giảm 5%; vốn FDI đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài giảm 23,6% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 8,3% (cùng kỳ tăng 9,3%); vận tải hành khách tăng 3,8% (cùng kỳ tăng 10,2%). Khách quốc tế tăng 4,8%, mức tăng thấp nhất của 2 tháng các năm 2016-2020. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 và bình quân 2 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước (tăng 5,4% và 5,91%); mức tăng cao nhất trong 7 năm qua.
Khu vực dịch vụ là khu vực bị tác động mạnh nhất bởi dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là các nhóm ngành liên quan đến du lịch, vận tải, lưu trú và ăn uống. Lượng khách quốc tế trong tháng 2-2020 chỉ đạt khoảng 1 triệu lượt khách, giảm 49,8% so với tháng trước, giảm 35,8% so với cùng kỳ.
Nền kinh tế nước ta đang bị thách thức nghiêm trọng bởi ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cũng như các tác động tiêu cực khác từ bên ngoài.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các thành viên Chính phủ góp ý cho một chỉ thị mới, trong đó đưa ra nhiều giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Thủ tướng cho rằng, hệ thống chính trị đã chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 một cách căn bản, đạt kết quả đáng mừng.
Chính phủ kiên định quan điểm sẵn sàng hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất an toàn sức khỏe cho nhân dân, du khách và người nước ngoài ở Việt Nam.
Ngay từ đầu, bên cạnh việc tham khảo, tham vấn các đánh giá từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và nhiều tổ chức khác nhau, Việt Nam đã tham khảo chặt chẽ tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc, bình tĩnh, rất tỉnh táo trong nhìn nhận vấn đề theo nhãn quan của mình và chuẩn bị sẵn sàng mọi khả năng từ rất sớm.
“Đến nay, chúng ta chỉ có 16 ca mắc, đã điều trị hồi phục sức khỏe cho cả 16 người, 18 ngày qua không ghi nhận ca nhiễm bệnh mới. Dịch ở Việt Nam không bị lan tràn, ít ảnh hưởng nhất, mặc dù chúng ta có biên giới dài và giao thương lớn với Trung Quốc”, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh, Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao các cấp, các ngành, các lực lượng vũ trang nhân dân, đặc biệt là ngành y tế, các chiến sĩ áo trắng đã quyết liệt thực hiện các giải pháp đề ra, đạt được kết quả khả quan bước đầu trong phòng chống dịch.
Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước đã ủng hộ. Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến mới phức tạp, số người mắc tăng nhanh, lan rộng sang nhiều nước, Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan, do dự, tiếp tục thực hiện quyết liệt nhiệm vụ phòng chống dịch đã đề ra.
Về tình hình kinh tế-xã hội, Thủ tướng cho biết, do dịch Covid-19, tất cả các nền kinh tế lớn của thế giới đều bị ảnh hưởng. Doanh thu hàng không toàn cầu được dự báo là thiệt hại khoảng 30 tỷ USD, du lịch thiệt hại khoảng 80 tỷ USD. Tâm lý bi quan khiến tất cả thị trường chứng khoán toàn cầu giảm điểm mạnh. USD tăng giá mạnh (đã tăng 4% kể từ đầu năm); giá vàng tăng cao nhất trong 7 năm qua; giá dầu thế giới đã giảm thấp, có thời điểm xuống dưới 50 USD/thùng.
Theo Thủ tướng, trong tháng 2, dù bị ảnh hưởng nhiều mặt nhưng cơ bản chúng ta giữ ổn định. Xuất khẩu vẫn tăng. Nhập siêu trong kiểm soát. Xuất khẩu ước đạt 36,9 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ. Nhập siêu khoảng 176 triệu USD. Nông nghiệp vẫn được duy trì ổn định, dịch bệnh dần được kiểm soát. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký tiếp tục đạt mức cao so với cùng kỳ. Các vấn đề an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện.
Nhìn tổng quát, dưới tác động của dịch Covid-19, nhiều ngành, lĩnh vực gặp khó khăn, bộc lộ những hạn chế, bất cập, nhất là ngành hàng không, du lịch, vận tải.
“Có những khách sạn gần như đóng cửa, nhiều khu du lịch vắng người. Tuy nhiên, không thể vì doanh thu, mở cửa đón khách du lịch tràn lan để ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân”, Thủ tướng nêu quan điểm.
Thủ tướng nhìn nhận, tốc độ tăng của nhiều ngành giảm so với cùng kỳ, trong đó có ngành chế biến chế tạo, tổng mức bán lẻ hàng hóa, nhập khẩu nguyên vật liệu, nhiều doanh nghiệp đối mặt nguy cơ thiếu nguyên liệu, sự đứt gãy chuỗi cung ứng… Đây là những vấn đề cần thảo luận để có những giải pháp tháo gỡ. Song song đó là tiếp tục khắc phục tình trạng giải ngân vốn đầu tư công còn thấp khi 2 tháng qua mới chỉ đạt khoảng 7,38%, còn 6 bộ, cơ quan Trung ương và 9 địa phương chưa phân bổ hết vốn kế hoạch. “Sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Chính phủ thấu hiểu điều này, các ngành, các cấp phải thấu hiểu điều này để có biện pháp chỉ đạo sát hơn”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng sẽ có chỉ thị về các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.
Tại phiên họp, Chính phủ sẽ nghe, thảo luận về các dự án Luật như dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai; Luật Thỏa thuận quốc tế; Tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao và kết quả kiểm tra tháng 2 năm 2020 của Tổ công tác của Thủ tướng và một số nội dung khác. |
Phan Thảo/ SGGPO