Cảng hàng hóa tại Singapore - Ảnh: REUTERS
Ngày 4-1, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự đoán GDP Đông Nam Á sẽ tăng trưởng 5,1% trong năm nay.
Mức tăng trưởng này cao hơn so với dự đoán 3% cho năm 2021. Năm ngoái, các biện pháp nhằm giới hạn dịch bệnh lây lan buộc nhiều nhà máy phải đóng cửa, làm gián đoạn chuỗi cung ứng.
Báo Nikkei Asia dự báo sự hồi phục kinh tế nhiều khả năng sẽ buộc các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất.
Dự đoán lãi suất tăng lên tại Mỹ cũng sẽ gây thêm áp lực giảm giá đối với các đồng tiền trong khu vực. Thế nhưng, giữa tình hình nguy cơ từ dịch bệnh chưa biến mất, viễn cảnh sắp tới vẫn khá phức tạp đối với Đông Nam Á.
Hoạt động xuất khẩu đã cất cánh tại một số nền kinh tế lớn nhất của khu vực này. Cụ thể, xuất khẩu của Malaysia đã tăng trưởng 32% trong tháng 11-2021 so với cùng kỳ năm trước đó, đạt khoảng 26,9 tỉ USD và phá vỡ kỷ lục hồi tháng 10-2021.
Xuất khẩu của Singapore cũng tăng trưởng 24,2% trong cùng giai đoạn trên - mức tăng mạnh nhất trong vòng 10 năm qua.
Tỉ lệ tiêm chủng tăng lên và số ca nhiễm mới giảm xuống giúp hoạt động kinh tế trở lại tại nhiều quốc gia trong khu vực.
Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng nhận định các rủi ro phong tỏa đã ảnh hưởng đáng kể tới Đông Nam Á trong năm 2021, nhưng 2022 sẽ là năm khu vực này học cách chung sống với virus SARS-CoV-2.
Với bức tranh kinh tế sẽ sáng sủa hơn, các ngân hàng trung ương tại Đông Nam Á đang xem xét thay đổi hướng đi, sau khi hạ lãi suất trong năm 2020 và duy trì ổn định trong năm 2021.
Các nhà kinh tế ngày càng kỳ vọng việc tăng lãi suất sẽ diễn ra ở các nền kinh tế lớn của khu vực trong nửa cuối năm 2022.
Ngân hàng United Overseas Bank có trụ sở tại Singapore dự đoán Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan sẽ tăng lãi suất trong năm nay.