Nỗ lực đưa dòng điện sáng vươn khơi

Đến nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã hoàn thành việc tiếp nhận và bán điện trực tiếp tại 11/12 huyện đảo, góp phần phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Từ năm 1991 đến nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đã hoàn thành việc tiếp nhận và bán điện trực tiếp tại 11/12 huyện đảo, hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia “Điện khí hoá nông thôn”, đưa điện đến mọi miền Tổ quốc, đặt biệt là vùng sâu, vùng xa, miền núi biên giới và hải đảo góp phần phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Kết quả 10 năm thực hiện thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 có đóng góp không nhỏ của EVN trong việc cấp điện đầy đủ, liên tục, ổn định và từng bước vươn xa cấp điện cho các huyện đảo, xã đảo và các đảo có dân cư sinh sống. Điện được thắp sáng trên các đảo đã phát huy đúng vai trò, sứ mệnh “điện đi trước một bước”.

Gian nan hành trình đưa dòng điện sáng ra đảo

Quá trình triển khai thi công các công trình xuyên biển không hề dễ dàng. EVN và các nhà thầu, các đơn vị thi công đã phải vận dụng sáng tạo sáng kiến kỹ thuật để triển khai thi công các công trình xuyên biển. Không những phải đối mặt với sự khắc nghiệt của thời tiết trên biển, các cơn bão, thuỷ triều thất thường, việc thi công này còn phải linh hoạt với điều kiện thi công phức tạp, phụ thuộc vào địa chất từng vùng.

Đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời phục vụ đời sống của cán bộ chiến sỹ và nhân dân trên các đảo. Ảnh: VGP

Dấu ấn quan trọng nhất trong hành trình đưa điện ra đảo của EVN chính là việc triển khai các dự án cấp điện bằng cáp ngầm xuyên biển ra các đảo. Trong đó, hành trình vượt biển Hà Tiên đưa điện ra đảo Phú Quốc gặp không ít gian nan với Tổng Công ty Điện lực miền Nam, khi đây là tuyến cáp ngầm 110 KV xuyên biển dài nhất Đông Nam Á với chiều dài 57,33 km.

Bằng sự nỗ lực của những người lính thợ, dự án hoàn thành đã giúp người dân Phú Quốc không phải mua nguồn điện chạy dầu giá cao, mà còn tạo cú hích lớn thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của huyện đảo và là yếu tố quan trọng để đưa Phú Quốc phát triển.

Dự án cấp điện lưới quốc gia bằng cáp ngầm 22kV đầu tiên ra huyện đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh), có quy mô xây dựng gần 40 km đường dây truyền tải điện 110kV, 25 km cáp 22kV đi ngầm dưới biển, 14 trạm biến áp và khoảng 35km đường dây trung và hạ thế được thi công trong thời gian thần tốc 11 tháng.

Để thực hiện việc kéo dây ra đảo, các đơn vị thi công đã dùng khinh khí cầu kéo dây cáp mồi, rải căng đường dây tải điện 110kV. Đây là một bước tiến quan trọng về công nghệ, lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam, mang lại hiệu quả cao trong xây lắp đường dây cao thế ở những vị trí có địa hình phức tạp.

Cùng với đó, khí hậu trên biển không ổn định, gió mạnh, thi công qua eo biển, vướng tàu bè qua lại và qua khu rừng bảo tồn nên phải tính toán thật chi tiết, huy động thêm thiết bị, tàu thuyền để cảnh giới thi công.

Còn với dự án đưa điện lưới quốc gia ra đảo Lại Sơn (huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang), có đến 40% thời gian thi công dự án, EVN phải thực hiện thi công trong điều kiện sức gió từ cấp 5 trở lên. Thậm chí, có những thời điểm biển động làm tiến độ dự án tưởng như không cách nào có thể “đúng hẹn”.

Đặc biệt, từ ngày 1/8/2017, EVN chính thức tiếp nhận, quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa, vận hành để toàn bộ hệ thống điện trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 hoạt động liên tục, ổn định. Trong quá trình vận hành hệ thống điện nơi “đầu sóng ngọn gió”, hệ thống điện thường xuyên phải hứng chịu giông, bão khắc nghiệt. Chưa kể, do ảnh hưởng của khí hậu biển, các thiết bị điện trên đảo dễ bị hư hỏng do hàm lượng muối trong không khí khá cao, gây nhiều nguy cơ cho việc vận hành tin cậy hệ thống điện.

Mặt khác, với đặc điểm các đảo ở xa bờ trên 100km (huyện gần đất liền nhất là Cồn Cỏ cũng cách đất liền 25 km); độ sâu của biển lớn có nơi đến trên 90m, trong khi phụ tải ngoài đảo không lớn, việc cấp điện lưới quốc gia khó cả về vốn đầu tư lẫn giải pháp kỹ thuật. Việc thiết kế, thi công các công trình trên biển đòi hỏi có nhiều kinh nghiệm, việc cung cấp thiết bị mang tính đơn chiếc, đòi hỏi kỹ thuật cao.

Góp phần phát triển kinh tế biển, giữ vững chủ quyền 

Trước khi EVN tiếp nhận và quản lý bán điện trực tiếp cho các đảo, người dân trên các đảo chỉ được cấp điện từ các nguồn phát diesel trong khoảng 5 - 9 giờ trong ngày. Công suất các nguồn điện cấp chủ yếu chỉ đủ để phục vụ chiếu sáng và những sinh hoạt cần thiết (tivi, quạt, radio...).

Sau khi được EVN tiếp nhận và quản lý bán điện trực tiếp, các huyện đảo đã được cấp điện 24/24h, hệ thống lưới điện đã đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Điều quan trọng là người dân tại các huyện đảo này được hưởng giá điện thống nhất trên toàn quốc, không phải chịu giá điện cao như trước đây (4.000 đồng/kWh - 6.000 đồng/kWh).

Có điện, người dân trên đảo có điều kiện sử dụng các thiết bị công nghệ hiện đại, cập nhật thông tin liên lạc kịp thời. Không những vậy, điện còn góp phần thúc đẩy nhanh công cuộc điện khí hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn… tạo điều kiện cho người dân trên các  đảo có cơ hội thoát nghèo, từng bước làm giàu và yên tâm bám biển.

Đối với các đảo được cấp điện lưới quốc gia, điện đã góp phần giúp các địa phương phát huy tiềm năng kinh tế trong du lịch, thương mại, giúp ngư dân tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, đời sống vật chất và văn hóa tinh thần cũng được cải thiện rõ rệt.

Điện cũng là yếu tố không thể thiếu để phát triển các cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề biển, hệ thống thông tin liên lạc, tìm kiếm cứu nạn...

Để triển khai các dự án “thắp sáng” biển đảo, EVN đã phải chủ động huy động nguồn vốn rất lớn. Chỉ riêng giai đoạn 2013 - 2018, EVN đã thực hiện đầu tư hơn 7.500 tỷ đồng để cấp điện lưới quốc gia cho các huyện đảo. Với những nỗ lực đó, quy mô hệ thống điện cấp cho các huyện đảo tăng nhanh chóng. Cụ thể, hệ thống lưới điện trung, hạ áp tăng 350 - 400%, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện của người dân trên đảo liên tục 24/24h...

Tuy nhiên, trên thực tế, các dự án cấp điện ra đảo với suất đầu tư cao, không mang lại hiệu quả tài chính đã khiến EVN gặp không ít khó khăn trong việc thuyết phục các nhà tài trợ vốn. Cùng với một phần tài chính huy động từ nguồn ngân sách, EVN đã chủ động làm việc với các tổ chức, ngân hàng quốc tế như: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW),... để thu xếp các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi. Đồng thời, triển khai các hình thức xã hội hóa, thu hút mọi nguồn lực xã hội để huy động vốn cho các dự án điện hải đảo.

Thêm nữa, khi thực hiện tiếp nhận, quản lý bán điện trực tiếp tại các huyện đảo, xã đảo, EVN đều phải bù lỗ khi giá thành sản xuất điện khoảng trên 5.000 đồng/kWh, cá biệt có nơi lên tới 72.552 đồng/kWh. Đặc biệt theo quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, từ 1/6/2014 giá bán điện trên đảo bằng giá bán điện trên đất liền, nên hàng năm EVN phải bù lỗ cấp điện cho các huyện đảo khoảng 200 tỷ đồng. 

Đường dây trên không đưa dòng điện sáng vượt biển ra đảo. Ảnh: VGP

Nhằm cung cấp đủ điện, liên tục, ổn định phục vụ đời sống sinh hoạt và phát triển kinh tế - xã hội biển đảo vững mạnh, tăng cường an ninh quốc gia và chủ quyền biển đảo; trong đó ưu tiên cấp điện cho các hộ dân, các doanh nghiệp, trung tâm hành chính và lực lượng vũ trang trên các đảo tiền tiêu bằng điện lưới quốc gia hoặc những nguồn năng lượng tái tạo, EVN sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Về quản lý phụ tải và phát triển lưới điện, chỉ đạo các công ty điện lực phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, nắm bắt khả năng tăng trưởng các thành phần phụ tải, xây dựng kế hoạch phát triển lưới điện tổng thể đáp ứng nhu cầu phụ tải qua từng năm.

Khai thác sử dụng tối đa các loại nguồn năng lượng chiếm ít diện tích đất như năng lượng gió và kết hợp với các công trình xây dựng trên đảo, lắp đặt các hệ thống năng lượng mặt trời mái nhà.

Ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, thường xuyên cập nhật công nghệ đặc biệt là công nghệ đối với nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời...) để đầu tư phát triển hệ thống điện độc lập trên các đảo, tiếp cận công nghệ mới tiên tiến. Nghiên cứu ứng dụng lắp đặt cột gió trên biển tại vùng biển có điều kiện thuận lợi.  Ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý vận hành cung cấp điện và ưng dụng phần mềm quản lý theo dõi từ xa hoạt động của hệ thống điện và nhu cầu phụ tải.

Về quản lý vận hành, phối hợp với các lực lượng làm nhiệm vụ trên đảo để có phương án quản lý vận hành phù hợp với các điều kiện đặc thù của từng đảo. Chuẩn hóa, đồng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật của các thiết bị nguồn, lưới trên toàn đảo dễ dàng thay thế khắc phục, trong điều kiện môi trường biển và ảnh hưởng gió bão. Kiểm soát chất lượng vật tư thiết bị trong môi trường nhiễm mặn...

Toàn Thắng/CPO