Startup công nghệ ngành giáo dục tham vọng trở thành Shark sau 10 năm kêu gọi đầu tư thành công từ hai “cá mập”

Tập 7 Shark Tank Việt Nam trở lại với 2/3 thương vụ được đầu tư. Thương vụ đầu tư nổi bật nhất trong tập 7 đến từ Hồ Đức Hoàng – Giám đốc & Co-founder Edu2Review. Từng trải qua nhiều công việc mưu sinh như giao báo, hốt phân chó để kiếm sống tại xứ người và ngộ ra chân lý chỉ có giáo dục mới thoát nghèo được nên tính cách dứt khoát, quyết liệt của Đức Hoàng chính là chìa khóa giúp startup gây ấn tượng mạnh trước các nhà đầu tư.

Gửi đến các nhà đầu tư lời mời 100 nghìn USD cho 1% cổ phần, Hồ Đức Hoàng giới thiệu Edu2Review là nền tảng đánh giá giáo dục và đặt chỗ các khóa học đầu tiên trên thế giới. Giúp người dùng có thể tìm kiếm, đánh giá, so sánh chất lượng các đơn vị đào tạo một cách chính xác và nhanh chóng. Ba giá trị mà Edu2Review mang lại cho cho cộng đồng đó là: sự tin cậy, tiện lợi và tiết kiệm.

Startup đã trải qua 2 vòng gọi vốn thành công với tổng số vốn huy động là 750 nghìn USD. Sau vòng gọi vốn mới nhất vào cuối tháng 12/2018 giá trị công ty hiện đang ở mức 4,5 triệu USD. Doanh thu GMV gần đây nhất đạt hơn 300 ngìn USD, lợi nhuận đến từ phí thường niên từ các trung tâm, phí giới thiệu booking. Doanh thu tháng gần nhất 20 nghìn USD.

Hồ Đức Hoàng (bìa trái) giới thiệu Edu2Review.

Hồ Đức Hoàng cũng không giấu khát vọng muốn dùng công nghệ để nâng tầm giáo dục Việt Nam phấn đấu biến Edu2Review trở thành Edtech Unicorn vào năm 2024. Và mục tiêu của nhà sáng lập chính là trở thành Shark trong 10 năm tới.

Dựa vào các chỉ số startup trình bày, Shark Việt đưa ra nghi hoặc: “Định giá doanh nghiệp có gì đó sai sai”. Giải đáp vấn đề này, Hồ Đức Hoàng dõng dạc tuyên bố: Edu2Review đã chứng minh được tính khả thi trong quy mô thị trường giáo dục tư nhân 5 triệu USD ở Việt Nam. Công ty thành công gọi được vốn với hai quỹ đầu tư từ Hồng Kong và Singapore. Từ tháng 12/2018 đến nay, doanh thu tăng trưởng gấp 2,5 lần. Đội ngũ của Edu2Review cũng đã góp vốn 1,2 triệu USD. Trong đó, 750 nghìn USD là tiền mặt, còn lại là lương thưởng quy thành cổ phiếu ESOP.

Shark Dũng đầu tư vì mình từng là du học sinh.

Đồng cảm là du học sinh, Shark Dzung Nguyễn đề nghị đầu tư 100 nghìn USD cho startup

Chia sẻ về lộ trình gọi vốn, startup cho hay trong phân khúc tiếng anh công ty đã hòa vốn, vì vậy muốn kêu gọi thêm 100 nghìn USD để đầu tư trên các phân khúc ngôn ngữ khác. Edu2Review hướng đến kế hoạch huy động vốn đến giữa năm 2020, gọi vốn vòng serie A. Đến 2024 sẽ thành Unicorn và IPO.

Shark Nguyễn Thanh Việt chính là người đầu tiên rút lui khỏi cuộc chơi với lý do đã mạo hiểm đầu tư vào hai startup công nghệ trước đó. Tiếp đến, Shark Phạm Thanh Hưng và Shark Đỗ Liên cũng lắc đầu từ chối Edu2Review vì không đánh giá cao về nhu cầu thị trường và cách tiếp cận kêu gọi vốn của startup.

Trên bàn thương thuyết chỉ còn lại cuộc chiến giữa hai Shark Nguyễn Hòa Bình và Shark Nguyễn Mạnh Dũng. Là người đầu tiên đưa ra cho startup lời đề nghị 100 nghìn USD cho 5% cổ phần cùng điều kiện đi kèm. Shark Bình chia sẻ: “Anh rất ấn tượng về phong thái, con người và đội ngũ của em. Vẫn chưa tìm được long mạch lắm đâu nhưng cái gì đầu tiên trên thế giới bao giờ cũng rất là nhiều rủi ro. Đội ngũ có năng lực, tâm huyết có thể tin tưởng được và đã được các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn. Mô hình của em vẫn phải mài vót thêm chứ đi theo riêng như thế này thì vẫn còn ngách quá mặc dù thị trường giáo dục là cực lớn”.

Shark Dzung Nguyễn bất ngờ cho hay ông đã từng gặp Hồ Đức Hoàng trước đây và từng đánh giá không cao về mô hình của startup. Tuy nhiên “cá mập công nghệ” đã quyết định đổi ý vì đồng cảm ở khía cạnh du học sinh, sau nhiều năm startup đã dám thay đổi. Muốn hỗ trợ startup đi tiên phong trong lĩnh vực giáo dục công nghệ, Shark Dzung Nguyễn đưa ra đề nghị 100 nghìn USD cho 10% cổ phần.

Số % mà hai “cá mập” công nghệ và tri kỷ đưa ra đều vượt ngưỡng mong muốn của Edu2Review, thế nên Hồ Đức Hoàng phải nhanh chóng xin hội ý cùng các cổ đông của mình.

Edu2review gọi vốn thành công từ 2 nhà đầu tư

Bước vào phòng thương thuyết, Austin Carter - CEO và Giám đốc tài chính của Edu2Review trình bày điều khó khăn, lo ngại nhất của startup là về giá cả và nhận được lời khuyên từ Shark Dzung Nguyễn: “Hãy quên phần định giá trước đó. Điều các bạn nên quan tâm là ai sẽ phù hợp để giúp các bạn. Chúng tôi đầu tư vào các bạn không đơn thuần là tiền, mà chúng tôi sẽ ở bên cạnh đồng hành cùng các bạn. Nếu các bạn nghĩ về giá trị kiến thức cũng như mạng lưới của tôi, điều đó đáng giá hơn nhiều so với vấn đề tiền bạc”.

Mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ hệ sinh thái của NextTech lẫn sự cố vấn của Shark Dzung Nguyễn,  startup mạnh dạn thương lượng mức đầu tư của Shark Bình với 100 nghìn USD cho 2,5% cổ phần, 2,5% còn lại được bù dưới dạng ESOP. Còn Shark Dzung Nguyễn sẽ đầu tư 100 nghìn dưới dạng cho vay và có quyền convert 5% cổ phần, quyền chọn đầu tư vòng sau là 1 triệu USD với discount 20%. Cuối cùng, hai lời đề nghị trên đều nhận được gật đầu đồng ý từ nhà đầu tư.

Mỗi Shark đều có một thế mạnh riêng, hy vọng với sự tham gia của Shark Dzung Nguyễn và Shark Hòa Bình startup sẽ đi nhanh và sớm đạt được tham vọng của mình.

Quang Trung