Tăng trưởng và phát triển đúng hướng
Tính đến nay, giá trị gia tăng công nghiệp TP. Hồ Chí Minh chiếm khoảng 32,3% sản lượng công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và đóng góp khoảng 16% quy mô sản xuất công nghiệp toàn quốc. Trong đó, 4 ngành công nghiệp trọng yếu đóng vai trò quan trọng trong phát triển toàn ngành công nghiệp.
Các sản phẩm CNHT của nhiều DN trong nước đã tham gia cung ứng cho các DN FDI và xuất khẩu |
Trong 11 tháng/2019, 4 ngành công nghiệp trọng điểm có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,2% so cùng kỳ năm 2018. Trong đó ngành chế biến lương thực, thực phẩm đồ uống tăng 1,2% so cùng kỳ; ngành hóa dược tăng 1,8%; Ngành điện tử đạt mức tăng trưởng cao 20,1% các DN điện tử thường xuyên ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất với các sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghệ cao và có thị trường tiêu thụ ổn định; ngành cơ khí tăng 9,0%.
Bên cạnh đó, theo kế hoạch phát triển các ngành CNHT của TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020, sản phẩm CNHT phải đáp ứng 45% nhu cầu nội địa và năm 2025 là 65%. Để đạt mục tiêu này, TP. Hồ Chí Minh đã và đang thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển các ngành CNHT.
Thời gian qua, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN CNHT hoạt động và phát triển, ban hành chương trình kích cầu đầu tư dành riêng cho lĩnh vực CNHT, qua đó giúp DN đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tính đến nay, thành phố đã phê duyệt 22 dự án của DN đầu tư CNHT với tổng vốn vay được hỗ trợ lãi suất là 938 tỷ đồng. Nhiều DN tham gia chương trình đã bước đầu tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu như Công ty Hiệp Phước Thành, Công ty cổ phần CNHT Minh Nguyên…
Ông Đỗ Phước Tống- Chủ tịch Hiệp hội DN Cơ khí điện TP. Hồ Chí Minh cho biết để các DN CNHT có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, DN CNHT trong nước cần nghiên cứu cải thiện công nghệ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nâng cao năng suất, đảm bảo các yêu cầu các tiêu chuẩn khi làm nhà cung ứng cho các DN nước ngoài.... Thành phố cần tăng cường hoạt động xúc tiến, kết nối các DN CNHT của thành phố với các DN sản xuất đầu cuối, DN FDI, tạo điều kiện mở rộng thị trường trong nước và cả xuất khẩu sản phẩm CNHT.
DN CNHT chú trọng đầu tư, mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu
DN CNHT đang đứng trước cơ hội lớn để mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu khi xu hướng dịch chuyển đầu tư của các chuỗi cung ứng toàn cầu đang đổ mạnh vào Việt Nam. Để hỗ trợ DN nắm bắt cơ hội này, các ngành chức năng, hiệp hội đã và đang tích cực, chủ động làm cầu nối giữa DN CNHT trong nước với DN FDI, các nhà sản xuất đầu cuối tổ chức nhiều hoạt động đào tạo, kết nối... - Ông Đỗ Phước Tống cho biết thêm.
Về chất lượng, giá thành, sản phẩm CNHT Việt Nam đã có những cải thiện tích cực và gia tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Ông Kiều Huỳnh Sơn - Tổng Giám đốc Công ty Vietsteel cho biết, hiện DN đang chú trọng mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu. Công ty vừa đầu tư sản xuất dự án quốc gia đó là dự án nhà thép nhẹ thay thế nhà truyền thống. Nhà thép nhẹ có ưu điểm tiết kiệm chi phí, thời gian thi công, có độ bền cao, hạn chế cháy. Với nhiều tính năng ưu việt sản phẩm của Vietsteel chủ yếu đang tập trung cho thị trường xuất khẩu như Hoa Kỳ, Úc, Indonesia...
Ông Hoàng Trọng Thắng - Phụ trách kinh doanh Công ty TNHH Kỹ thuật công nghệ Nam Sơn cho hay Samsung đã đến nhà máy của Nam Sơn hướng dẫn cho DN cách sản xuất để đạt các quy chuẩn, quy trình theo yêu cầu của các tập đoàn toàn cầu trong đó có Samsung. Vì thế đến nay Nam Sơn đã kết nối và cung ứng sản phẩm CNHT cho các tập đoàn lớn như Samsung, Toshiba, Isuzu... Đây là nền tảng quan trọng để công ty có thể mở rộng, thâm nhập sâu hơn trong việc trở thành nhà cung ứng sản phẩm CNHT cho các tập đoàn lớn, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Cũng với định hướng mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu sản phẩm CNHT bằng việc đầu tư xây dựng ngành CNHT 4.0- ông Nguyễn Văn Liên- Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật cơ điện MEE cho biết công ty đã ứng dụng tự động hóa trong sản xuất hệ thống tủ bảng điện, hệ thống đưa tín hiệu về các tòa nhà thông minh...
Ngọc Thảo/ CTO