Vượt qua đại dịch COVID-19: Tư lệnh ngành cam kết gì?

Nhiều doanh nghiệp (DN) tiếp tục kiến nghị tháo gỡ về thuế, lãi suất, tiếp cận vốn, thủ tục hành chính… để vượt qua đại dịch COVID-19. Có DN cho rằng, việc hỗ trợ là để DN tự mình đứng trên đôi chân mình, chứ không trông chờ ỷ lại. Trong khi đó, các “tư lệnh” ngành đã đưa ra giải pháp san sẻ cùng DN.

Ưu tiên hỗ trợ DN dễ bị tổn thương

Tại hội nghị đối thoại với Thủ tướng hôm qua (9/5), ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco cho biết, thời điểm khó khăn do dịch COVID-19, Chính phủ hỗ trợ cho nhiều đối tượng, từ người nghèo, người yếu thế trong xã hội, cho đến DN. Tuy nhiên, cần ưu tiên hỗ trợ cho DN dễ bị tổn thương nhất, như hộ cá thể, DN nhỏ, DN khởi nghiệp. “DN khi lời khi lỗ, khi thành công khi thất bại. Do đó, các biện pháp can thiệp của Chính phủ cần hài hòa giữa giải quyết khó khăn trước mắt với những nguyên tắc của thị trường, để vừa giúp DN vượt qua khó khăn vừa khuyến khích tinh thần đổi mới để tạo ra môi trường kinh doanh, minh bạch công bằng…”, ông Dương nói và chia sẻ với các DN rằng: “Hỗ trợ là để DN tự đứng trên đôi chân của mình, chứ không tạo ra tâm lý ỷ lại, trông chờ”.

Dẫn ví dụ về điều hành giá thịt heo, ông Dương cho rằng giá thịt heo cao cũng là cơ hội khuyến khích phát triển bài bản cho ngành chăn nuôi, để thời gian tới Nhà nước không còn bận tâm “giải cứu”, có nguồn cung đầy đủ, thậm chí cơ hội cho ngành nuôi heo xuất khẩu. Ông Dương cũng kiến nghị sớm nới lỏng giao thương với Lào, Campuchia - là các nước có nguy cơ dịch thấp, có thể ưu tiên cửa khẩu đường bộ sớm hơn, giúp hoạt động giao thương thuận lợi hơn của DN Việt Nam tại các nước bạn.

Theo ông Lê Tiến Trường, TGĐ Tập đoàn Dệt may, khó khăn trong đại dịch khiến các DN đã chủ động, sáng tạo để liên kết với nhau. Hai tài sản lớn nhất của ngành dệt may cần phải bảo vệ đó là lao động và vị trí của ngành dệt may ở Việt Nam trên toàn cầu. Ông Trường cho rằng, ngành dệt may không lựa chọn phương án cho lao động nghỉ việc hàng loạt. Nếu lao động nghỉ việc, có hỗ trợ thì người lao động cũng sẽ đi tìm việc khác, khả năng mất lao động trên 50%. Do đó, DN sẽ chọn phương án có thể sản xuất mọi mặt hàng có thể như khẩu trang, bảo hộ y tế, ưu tiên đủ chi phí trả lương cho nhân viên đễ giữ lao động.

Vượt qua đại dịch COVID-19: Tư lệnh ngành cam kết gì? - ảnh 1

Ông Trường kiến nghị 2 vấn đề, trong đó miễn bảo hiểm xã hội và công đoàn phí cho ngành dệt may từ tháng 5 đến hết năm 2020, đồng thời sớm có các văn bản hướng dẫn các thông tư để hưởng các các lợi thế từ EVFTA để các DN dệt may tận dụng.

Với ngành du lịch, ông Nguyễn Quốc Kỳ, TGĐ Vietravel cho rằng, việc Việt Nam sớm khống chế được dịch bệnh đang là cơ hội và thời gian tới cần đẩy mạnh truyền thông Việt Nam là điểm đến an toàn cho du khách. Theo ông Kỳ, trước mắt cần tập trung vào thị trường trong nước, trong đó nghiên cứu đề xuất mở lại toàn bộ bay trong nước. Một số tỉnh có tiềm năng du lịch như Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Huế, Khánh Hòa… có thể nghiên cứu giảm 50% chi phí danh lam, thắng cảnh. Đối với thị trường quốc tế, DN du lịch cần có sự chọn lọc. Một số nước ở Đông Bắc Á, Đông Nam Á hiện đang dần kiểm soát được dịch bệnh, có thể mở cửa đón khách du lịch.

Còn ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam kiến nghị, về giải ngân 700 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công, cần một số tiêu chí trong Luật Đấu thầu, chia nhỏ dự án lớn để DN trong nước trong đó có DN nhỏ và vừa có thể tham gia đấu thầu, đồng thời cân nhắc giảm tỷ lệ vốn đối ứng từ 30-40% xuống còn 10-15%. Ông Thân cũng đề xuất Chính phủ cắt giảm thuế cho DN nhỏ và vừa, cụ thể giảm VAT đến hết năm 2020, miễn trừ thuế thu nhập DN, cho phép DN nhỏ, siêu nhỏ và toàn bộ thuế môn bài cho các hộ kinh doanh.

“Tư lệnh” ngành: cam kết gì?

Một trong những thông tin được các DN chờ đợi là từ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng. Phát biểu tại hội nghị, ông Hưng khẳng định sẽ cung cấp đủ vốn để hỗ trợ cho nền kinh tế tăng trưởng. NHNN cũng sẽ xem xét việc điều chỉnh tăng hạn mức tín dụng cao hơn so với kế hoạch đầu năm. Theo Thống đốc, NHNN đã chỉ đạo toàn hệ thống nắm bắt “sức khỏe” DN và chủ động triển khai tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn.

Trong đó, NHNN đã ban hành Thông tư 01 từ sớm và có cơ chế mạnh, tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho khách hàng như: cơ cấu lại nợ với thời hạn thích hợp hơn, không bị tính lãi vay, vẫn giữ nguyên nhóm nợ, tạo hành lang pháp lý cho các ngân hàng giảm lãi và phí… NHNN chủ động đề xuất cho vay tái cấp vốn với lãi suất 0% cho DN và vừa ban hành Thông tư 05 có hiệu lực ngày 7/5 vừa qua để  Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai sớm. NHNN cũng đã trình Chính phủ thí điểm mobile money, dự thảo nghị định sửa đổi bổ sung thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Ông Hưng cũng cho biết, hiện toàn hệ thống  ngân hàng đã cơ cấu lại cho 215.000 khách hàng với dư nợ 130 nghìn tỷ đồng, miễn giảm và hạ lãi suất cho 260.000 khách hàng dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng. Các khoản vay mới lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 630.000 tỷ đồng cho 182.000 khách hàng với lãi suất thấp hơn 0,5-2,5% so với trước khi có dịch, miễn giảm phí thanh toán 1.000 tỷ đồng. Đồng thời, NHNN điều hành chính sách tiền tệ, đảm bảo thanh khoản toàn nền kinh tế, giữ tỷ giá ổn định, không xảy ra bất ổn kinh tế vi mô. Về việc áp dụng Thông tư 01, NHNN sẽ lập đoàn công tác đến các địa phương để nắm tình hình và xử lý vấn đề phát sinh. 

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, gói 62.000 tỷ đồng đến nay đã triển khai hỗ trợ được trên 20.000 tỷ đồng, 45/63 tỉnh thành đã rà soát xong đối tượng nhận hỗ trợ. Theo ông Dung, từ ngày 9/5, sẽ tập trung hỗ trợ nhóm lao động tự do, lao động bị dừng hợp đồng theo dự kiến khoảng 7.630 tỷ đồng. Có 47 tỉnh đã tạm dừng đóng bảo hiểm hưu trí, tử tuất cho 900 DN với 80.000 lao động và trên 300 tỷ đồng.

Theo Bộ trưởng Dung, với nhiều quyết sách, nỗ lực phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, số người mất việc hàng tháng sẽ quay về mức trung bình. Về dài hạn, khoảng 70.000 - 80.000 lao động ở các khu vực sẽ từng bước quay lại thị trường lao động. Ông Dung cho rằng, với DN, cần tập trung ưu tiên hàng đầu là cấu trúc lại nguồn nhân lực đi đôi với công nghệ và chuỗi giá trị. Trong bối cảnh dịch bệnh thì yêu cầu “sống-còn” là phải đào tạo, đào tạo lại, nâng cao kỹ năng nghề cho lao động để tăng năng suất lao động.

Bộ trưởng Dung cho biết, Bộ LĐ-TB&XH sẽ trình Thủ tướng ban hành chỉ thị về vấn đề này, trong đó sẽ đề xuất và tham mưu với Chính phủ dành khoảng 3.000 - 5.000 tỷ đồng từ kết dư bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại lực lượng lao động. Dự kiến sẽ có khoảng 1 triệu lao động được đào tạo lại và cấp chứng chỉ, đào tạo trực tiếp tại DN gắn với trường nghề.

Trong khi đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh là một trọng tâm cải cách. Tổng số tiền tiết kiệm được khi triển khai dịch vụ công trực tuyến là 6.490 tỷ đồng mỗi năm. “Trong tương lai, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo hướng rút ngắn quy trình, thời gian, giảm thủ tục thông qua việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, đơn vị liên quan”, ông Mai Tiến Dũng cho biết.

Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ đã đưa ra hàng loạt giải pháp để cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế như gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất… Nhiều loại phí, lệ phí được Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, cắt giảm.

Theo Tiền Phong