Xử lý nhanh tình trạng rác thải, ngập nước

“Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) làm việc ngay với các nhà máy xử lý rác ứng dụng công nghệ mới để việc xử lý rác thải đạt hiệu quả, giảm ô nhiễm...”, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo tại cuộc họp kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm do UBND TP tổ chức cuối tuần qua.

Ông Phong bức xúc, TP nói rất nhiều về vấn đề xử lý rác nhưng 2 năm rồi vẫn chưa có nhà máy đầu tư xử lý rác hiện đại. Trong khi đó, các bãi rác bốc mùi hôi gây phiền đến người dân, như bãi rác Đa Phước, người dân vẫn tiếp tục phản ánh.

Giải thích sự chậm trễ này, ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TN-MT - cho rằng, có nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do yêu cầu đấu thầu phải chọn được nhà đầu tư đủ điều kiện. Đối với lộ trình chuyển đổi để thành lập 2 nhà máy mới bằng công nghệ đốt phát điện với công suất 3.000 tấn/ngày/nhà máy, Sở TN-MT sẽ tham mưu UBND TP rút ngắn quy trình đấu thầu để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, cố gắng khởi công trước năm 2020.

Ông Thắng thông tin thêm, hiện có 3 nhà máy đang xử lý rác cho TP khoảng 8.000 tấn/ngày, trong đó khoảng 5.000 tấn chôn lấp hợp vệ sinh. Nghị quyết HĐND TP đặt ra mục tiêu đến năm 2020 giảm tỷ lệ chôn lấp rác xuống dưới 50%, có thể chúng ta đạt được lộ trình này.

Ngoài rác thải, vấn đề ngập nước cũng làm nóng cuộc họp. Theo đó, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong yêu cầu Ban Quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP báo cáo tiến độ thực hiện Dự án chống ngập do triều có xét tới yếu tố biến đổi khí hậu.

Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng - Phó Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP - cho biết, đây là dự án lớn, khối lượng thi công đã đạt 75%. Các nhà đầu tư và các đơn vị thi công đang tập trung đẩy nhanh tiến độ để đạt mục tiêu cuối tháng 12-2019 sẽ hoàn thành như cam kết. Tuy nhiên, vẫn còn 2/6 địa phương gặp khó khăn liên quan mặt bằng. Đó là huyện Bình Chánh và Nhà Bè với hơn 10 hộ dân chưa chịu di dời.

“Thời gian qua các địa phương đang tập trung mọi biện pháp, làm việc với các sở ngành tìm giải pháp để các hộ dân giao mặt bằng. Nếu mặt bằng sớm được giao, dự án có thể đưa vào vận hành khai thác vào đầu năm 2020. Còn hoàn thiện toàn bộ thì cần thêm thời gian, có thể đến tháng 6-2020”, ông Dũng cho biết.

Bổ sung thêm, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP - cho rằng, bà con chưa đi nhưng không phải là không đi mà chờ chính sách. Hiện chính sách bồi thường không được nhiều mà chủ yếu là chính sách hỗ trợ.

Nói kỹ hơn về công tác giải phóng mặt bằng chung hiện nay, ông Hoan thừa nhận, đây là bài toán khó, TP đang đi vào vòng lẩn quẩn. Bồi thường thực hiện theo giá thị trường nhưng thực tế không sát, phương án thị trường bao giờ cũng chênh 4-5%. Người dân khiếu kiện nhiều nên khi phương án bồi thường được duyệt cho tới lúc triển khai thì lại chậm trễ, lại dẫn đến đội vốn. Hơn nữa, đơn giá bồi thường mới chỉ tập trung vào đất là chính mà không quan tâm đến những thiệt hại khác của người dân như thu nhập kinh tế đang ổn định tại chỗ, việc học hành của con cái… Và không hẳn tất cả bà con đều chấp nhận ở nhà tái định cư vì tính chất công việc, sợ bù thêm chi phí giữ xe, điện nước… Ngoài bồi thường mặt đất phải tính đến thiệt thòi của người dân khi di chuyển đến nơi khác trong thời gian nhất định. Đồng thời vận dụng tối đa các chính sách từ doanh nghiệp, đoàn thể, hỗ trợ người dân có đủ tiền hoặc chưa đủ tiền nhưng vẫn có nhà để ở. TP cần kiến nghị Chính phủ điều chỉnh khung giá bồi thường, thậm chí điều chỉnh hệ số cho phù hợp với đặc thù của TP.HCM; còn TP ban hành bảng giá vì khung giá 5 năm qua đã lạc hậu. Nên ưu tiên các dự án có nguồn từ ngân sách chuyển dần sang tư nhân để chủ đầu tư phải có phương án hỗ trợ người dân, cân bằng lại thiệt thòi.

Trước vấn đề này, ông Phong yêu cầu các đơn vị liên quan phải cố gắng tối đa đẩy nhanh tiến độ để công trình chống ngập sớm đi vào hoạt động vì tình hình ngập hiện nay ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống người dân.

Nguyn Trinh/ GDO