Thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm sẽ khó khăn

Nguyên Thứ Trưởng Nguyễn Trần Nam nhận định, thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm trong bối cảnh hiện nay sẽ khó phát triển theo hướng tốt hơn.

Chia sẻ tại Diễn đàn "Xu hướng đầu tư bất động sản 2019", ông Nguyễn Trần Nam – Nguyên Thứ Trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, theo thống kê gần đây, các chỉ số của nền kinh tế đều có những chuyển biến tích cực.

Hầu hết các lĩnh vực kinh tế trong nước đều ổn định, tiếp tục đà phát triển, môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh không ngừng được cải thiện. Đặc biệt, có hai chỉ số quan trọng vẫn tích cực ảnh hưởng tới thị trường bất động sản, đó là: Giải ngân vốn FDI tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái và mức độ tiêu dung của Việt Nam theo một số chuyên gia vào hàng cao trong khu vực, thậm chí so với Trung Quốc, Thái Lan.

Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm ngoái dường như các chỉ số lại đang có dấu hiệu giảm sút, doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán giảm. Bên cạnh đó, bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn và chịu ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, theo đó dòng vốn đầu tư chuyển tới các khu vực suy giảm…

Trong nước, Chính phủ đang có nhiều nỗ lực cải cách tích cực nhằm tạo một môi trường kinh doanh thông thoáng, lành mạnh…Nhưng theo phản ánh của doanh nghiệp thì vẫn chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ.

Trong bối cảnh đó, thị trường bất động sản cũng có sự giảm sút. Cụ thể, theo thống kê mới đây, tại TP.HCM, số lượng giấy phép xây dựng giảm 16%, có 150 dự án bị dừng lại kiểm tra rà soát.

 

Theo ông Nam, điểm mạnh nhất của thị trường bất động sản Việt Nam là sức cầu và thanh khoản rất lớn. Thống kê của Liên Hợp Quốc cũng chỉ ra rằng, những nước người dân có thu nhập trung bình từ 1000 -10.000 USD thường dùng để mua nhà và Việt Nam lại đang nằm trong khoảng đó.

“Thị trường của chúng ta về trung và dài hạn sẽ rất tốt, tốc độ đô thị hoá còn độ mở rất lớn. Theo tính toán, trung bình mỗi năm có 1 triệu người chuyển từ khu vực nông thôn sang các khu đô thị. Tâm lý người dân thích dành dụm mua nhà. Điều quan trọng là cung ứng được cho cầu này một cách có chất lượng”, ông Nam nhìn nhận.

Ông Nam đặt câu hỏi: “Tại sao thị trường bất động sản đang phát triển tốt từ 2014 đến 2018 nhưng sang đầu năm 2019 lại giảm? Bất động sản thì cần tiền và đất nhưng cả hai đều giảm”.

Theo ông Nam, đang có sự lo lắng về bong bóng bất động sản, do đó Chính phủ đã có những bước đi hạn chế nguồn tín dụng vào bất động sản, dự báo sắp tới sẽ còn siết chặt hơn nữa.

Đặc biệt là thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định giảm tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn và cho vay dài hạn từ 60% xuống 40% trong vòng 2 năm, từ 1/2019 tỷ lệ này đã giảm tới 40%. Trong khi đó, lại tăng tỷ lệ an toàn trong vay bất động sản từ 150% lên 250%. Như vậy, tốc độ tăng trưởng tín dụng vào bất động sản giảm và bắt đầu giảm từ cuối 2018. Mặt khác, đất về quy hoạch, đền bù… đều bị siết chặt trong khi sức mua của dân lại vẫn rất mạnh.

Khánh An - VNmedia